Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Mẹ vẫn đợi con về

VHO- Suốt mấy chục năm qua, hình ảnh người mẹ già cứ mỗi sáng đứng tựa cửa, đôi mắt ngấn lệ hướng về phía biển cả để đợi con trở về đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Mẹ là Hồ Thị Đức (84 tuổi), thân sinh liệt sĩ Trần Văn Phương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, quê ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình)…

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Mẹ vẫn đợi con về - Anh 1

Thế hệ trẻ xúc động khi xem lại những tấm ảnh liệt sĩ Gạc Ma tại tượng đài những người nằm lại phía chân trời

 Nỗi đau lòng mẹ

Một ngày trung tuần tháng Sáu, chúng tôi về vùng đất gió lửa bên dòng sông Gianh, nơi liệt sĩ Trần Văn Phương, người anh hùng của biển cả với câu nói nổi tiếng “Hãy để cho máu tô thắm cờ truyền thống của quân chủng Hải quân anh hùng” trong trận “Hải chiến Trường Sa” sinh ra và lớn lên. Bên hiên căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm hẹp, trước mắt tôi là hình ảnh người mẹ già có khuôn mặt hiền hậu đang ngồi bần thần, đôi mắt mờ đục hướng nhìn ra biển. Nghe tiếng khách lạ, mẹ hỏi: “Đồng đội thằng Phương phải không con? Nhanh thật, mới đó là đã đến 27.7 rồi”.

Mẹ Đức mời chúng tôi vào. Trong nhà mọi vật dụng đều khiêm nhường, giản dị. Giữa phòng khách là nơi thờ liệt sĩ Trần Văn Phương. Tôi xin phép mẹ thắp cho anh nén hương với tư cách một người đồng đội. Khi khói hương lan tỏa, cũng là lúc mẹ nghẹn ngào: “Ngày mô tui cũng thắp hương cho nó. Tui vẫn hằng mong có một phép nhiệm màu nào đó để nó sống trở về”. Khi tôi hỏi mẹ còn giữ kỷ vật nào của anh Phương không, mẹ đến bên bàn thờ lục tìm: “Hôm nớ, tui đang nằm, không biết răng mà ruột gan nóng như lửa đốt, vừa bật dậy thì có người đến nói là có thư của thằng Phương gửi về. Đọc xong thư, cả nhà như chết lặng…”.

Mẹ đưa cho tôi xem lá thư đã ố nhòe của liệt sĩ Phương gửi về từ Cam Ranh, đề ngày 8.3.1988. Trong thư có đoạn: “…Tối ni hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ. Mạ ở nhà giữ gìn sức khỏe nhá. Ra đảo xong rồi con trở về”. Bà thủ thỉ: “Thằng Phương còn dặn tui, trước lúc ra đi con chỉ dặn bọ mạ như thế này. Khi bọ mạ nhận được bức thư thì bọ mạ không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và bọ mạ cũng đừng trông thư con nữa”. Lúc nhận thư, tui đã có linh cảm chẳng lành, bởi thông thường sau khi gửi khoảng 7 ngày gia đình mới nhận được, nhưng lá thư này chỉ mới 3 ngày đã đến. Ai ngờ nó đi bỏ xác ngoài biển”.

Nước mắt mẹ lại lăn trên đôi gò má nhăn nheo. “Ngày còn sống, thằng Phương rất thương tui. Ngày nhỏ nó ngoan lắm. Là anh cả của ba người em, việc mô cũng đến tay nó. Tết năm 1988, nó về ăn tết với gia đình đến mồng 10 tháng Giêng thì lên đường trở lại đơn vị. Lúc đi nó cứ dặn đi dặn lại với tui là bọ mạ ở nhà nhớ cắt tóc (thân cây lúa) phơi khô, ra chuyến này đến kỳ nghỉ phép, con về tranh thủ sửa lại mái nhà cho bọ mạ kẻo ở như rứa mưa dột tội lắm. Ai ngờ dự định chưa thành thì nó đã hy sinh”, mẹ cứ tần ngần hồi ức lại. Suốt mấy chục năm qua, mẹ đã và vẫn khóc con trong niềm thương, nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Mẹ vẫn đợi con về - Anh 2

 Lễ tưởng nhiệm các liệt sĩ Gạc Ma trên biển Trường Sa

Dòng máu Trường Sa

Câu chuyện về liệt sĩ Trần Văn Phương đã làm tôi rơi nước mắt, khi gặp con gái của liệt sĩ là chị Trần Thị Thủy tại ngày khánh thành Tượng đài Gạc Ma ở bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Đón ba về trong lòng đất mẹ sau 29 năm nằm dưới biển sâu lạnh giá, chị Thủy cứ mãi thổn thức không nói lên lời: “Anh biết không, ba em ra Trường Sa rồi hy sinh tại Gạc Ma mà không hề biết mẹ đã mang thai em”.

Thấu hiểu được sự hy sinh của ba, càng lớn Thủy càng thấy hai chữ Trường Sa gần gũi như máu thịt của mình. Ngày tốt nghiệp ra trường, Thủy nói với mẹ sẽ viết đơn xin vào đơn vị của ba. Bà Hoa gật đầu đồng ý trong rưng rưng nước mắt. Đơn tình nguyện Thủy viết: “Cháu muốn tiếp bước cha mình để bảo vệ Trường Sa. Máu của ba cháu đã hòa trong nước biển Trường Sa. Cháu cũng mang dòng máu Trường Sa vì ba cháu nằm lại nơi ấy”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thủy bắt xe đò từ Quảng Bình vào Lữ đoàn 146 Hải quân xin gặp các bác, các chú - đồng đội của ba để vào quân đội. Và Thủy đã được toại nguyện ước mơ. Tháng 10.2009, Thủy được nhận vào làm việc tại Lữ đoàn 146 Hải quân với vị trí văn thư bảo mật.

Lần đi thăm cán bộ chiến sĩ Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên con tàu HQ-936 của Vùng 4 Hải quân, tôi tình cờ gặp Thủy. Đôi mắt chị lúc nào cũng đỏ hoe và đượm buồn, nhất là khi đoàn công tác thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ trên vùng biển Cô Lin. Chị đã khóc nức nở khi loa trên tàu HQ-936 phát bản truyền thanh nội bộ, kể về gương anh dũng hy sinh của 64 cán bộ chiến sĩ trên rạn đá sAn hô. Cầm bông huệ trắng thả xuống biển, chị Thủy tha thiết gọi: “Ba ơi, con đến thăm ba đây, con đã đến được nơi ba nằm xuống. Mẹ vẫn không thể nguôi ngoai kể từ ngày ba hy sinh. Mong linh hồn ba yên nghỉ chốn vĩnh hằng!”. Trời bỗng dưng nổi cơn dông gió rồi mưa trút xuống dạt dào như những dòng lệ của biển dành cho những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Sau những phút giây xúc động, Thủy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của “đứa trẻ mồ côi” từ trong trứng nước. Thủy khóc. Nước mắt của con gái người anh hùng đất Quảng vỡ òa trong nỗi đau vọng đến từ ngàn sâu. Trước tượng đài Gạc Ma, Thủy nói với niềm tự hào: “Được về đây công tác từ năm 2009, vậy là em đã mãn nguyện rồi!” 

 TRẦN MẠNH TUẤN

Ý kiến bạn đọc