"Cưỡi sóng" đưa Tết đến Trường Sa

VHO- Những ngày này tại Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hoà) tràn ngập không khí rộn ràng của ngày hội tiễn quân, tiễn tàu chở hàng Tết ra Trường Sa…

Chia tay những tân binh lên đường làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa Ảnh: NGUYỄN VĂN TÌNH

Cuối tuần qua, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ tiễn Đoàn công tác đi thăm, kiểm tra động viên quân, dân và sư tăng huyện Trường Sa nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019 tại Quân cảng Cam Ranh.

Món quà Tết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Trước ngày lên đường, mưa vẫn chưa tạnh hẳn. Ngoài khơi xa, biển động rất mạnh, sóng cao trên 2m do ảnh hưởng của cơn bão số 1. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Biển trong cơn gầm thét, lòng người thấp thỏm lo âu. Để có được một cái Tết chu đáo cho bộ đội là một sự cố gắng không mệt mỏi, bởi cả nước luôn dành những tình cảm đặc biệt cho Trường Sa. Vượt hàng ngàn cây số trên đất liền, hàng trăm hải lý trên biển, những chuyến hàng ấm tình hậu phương sẽ kịp chuyển đến các đảo như một lời hứa.

Năm nay, quân và dân Trường Sa nhận được rất nhiều tình cảm và sự quan tâm của cả nước. Quà Tết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, UBND tỉnh Khánh Hòa, Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn 146 và hơn hết là hàng triệu tấm lòng luôn hướng về Trường Sa. Quỹ vì Trường Sa - Hoàng Sa tặng cán bộ chiến sĩ, nhân dân Trường Sa 700 triệu đồng. Ngoài ra, quà bằng hiện vật còn có 112 thùng quà cho các đảo. Trong mỗi thùng có hạt dẻ, hạt điều, mít sấy, dầu ăn, bột ngọt, bột nêm, bánh ngọt… Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tặng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác tại Trường Sa 150 triệu đồng. Cùng với đó là quà gồm 98 cây quất, mứt Hà Nội, thạch Vietfood, 2.500 quả bưởi, 730 kg miến mỳ, 140 kg chè khô, 360 kg gạo nếp, đỗ xanh, một tủ đông, cây xanh và một số mặt hàng nhu yếu phẩm.

Trung tá Đào Huy Toàn, Trưởng ban tiếp nhận và cấp phát Lữ đoàn 146 cho biết, số hàng quà của các tổ chức Dân, Chính, Đảng tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019 đã được Ban tiếp nhận và cấp phát phân bổ chu đáo cho các đảo.

Tạm biệt các anh

Câu chuyện Tết ở Trường Sa dường như năm nào cũng có những nét mới. Đã trở thành một phong tục đẹp, mỗi khi Tết đến Xuân về, cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cùng chung tay lo một cái Tết đầy đủ cho Trường Sa. Tết cổ truyền nơi đảo xa vẫn là thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, mứt, kẹo… như mọi miền quê Việt, chỉ khác là quà Tết đến sớm, phải được vận chuyển trên đường xa, bảo quản tốt nhất trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và phải giữ được dài ngày, ít nhất cũng là 1 tháng. Đối với những người lính Hậu cần của Lữ đoàn 146, ngoài nhiệm vụ còn là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng với đồng đội.

Năm nay, ngoài tiền Tết theo tiêu chuẩn, Lữ đoàn đã chuẩn bị các mặt hàng Tết như gạo nếp Bắc, đỗ xanh, thịt đùi heo, bò, gà cấp đông, giò lụa, giò bò cho các đảo. Thực đơn ngày Tết không thể thiếu được măng khô, miến dong. Những tàu lá dong, lạt buộc được chọn lựa kỹ càng. Rau, củ, quả được mua về với số lượng lớn. Trường Sa mùa này đang “đói” rau. Suốt mấy tháng mưa bão, vườn rau trên các đảo không thể chống chọi được với nước mặn. Riêng thịt lợn, Lữ đoàn đảm bảo đưa ra bằng lợn sống, Ngoài tiêu chuẩn ăn thêm 5 ngày Tết, bộ đội còn có tiêu chuẩn ăn thường xuyên theo chế độ hiện hành 90.000 đ/người/ngày.

Để đảm bảo đời sống tinh thần, Phòng Chính trị Lữ đoàn chuẩn bị các vật dụng như cờ vua, cờ tướng, đĩa nhạc, hoa nhựa, đèn nháy… để giải trí và trang trí. Trước ngày lên đường, hàng Tết đã được bộ đội chuyển xuống tàu và cất gói, chằng buộc cẩn thận. Các tàu đều có sức chứa lớn, hàng khô được đóng gói trong các thùng các tông, ngoài bọc nilon, rau xanh củ quả để trong túi lưới xếp đống trong khoang kín, hàng đông lạnh được bảo quản trong các tủ cấp đông. Trên mặt boong ở phía cuối tàu, bộ đội dùng các tấm ghi ngăn thành chuồng nhốt heo, gà, vịt mang ra cho các đảo. Những chậu quất được bọc gói nylon tránh nước mặn, xếp dọc lối đi. Nhìn những người lính đội mưa gió chuyển hàng xuống tàu, những bàn tay chai sạn, cần mẫn, tỉ mỉ bao gói từng hạt đậu, lá rau, lòng chợt rưng rưng, các anh mấy người được hưởng một mùa xuân trọn vẹn.

Đêm trước hôm lên đường, chúng tôi được nằm bên các anh nghe sóng gầm gừ lẫn trong tiếng mưa rơi, lòng bồn chồn khó ngủ. Ngày mai, các anh như những cánh chim trời có nhiệm vụ bay về các vùng biển đảo cực Đông xa xôi của Tổ quốc.

Cây quất gửi đến Trường Sa

Ra để cống hiến

Buổi chiều, mưa đã tạnh, trời hửng nắng. Trước giờ làm lễ xuất quân, một không khí tiễn đưa náo nhiệt trên cầu cảng Cam Ranh. Ba con tàu to lớn, hiện đại Trường Sa 571, HQ 561, KN 491 xếp đội hình dọc hai bên cầu tàu. Sóng vẫn ầm ào, hương vị biển thật lạ. Vị mặn mòi tinh khiết của đại dương dường như là một nguồn năng lượng mới tràn khắp cơ thể. Những đôi mắt binh nhất, binh nhì trong veo ngước nhìn lên bầu trời cao xanh vời vợi. Trường Sa ơi mai tàu rời bến…, câu hát như xoáy vào nỗi lòng của người ở lại.

Trên mặt boong, hai bên mạn tàu, lính thủy chen vai đứng chật kín. Dưới sân, rợp màu áo lính các quân, binh chủng. Lính trẻ tụm lại thành từng tốp, ào ào tán chuyện rôm rả. Sôi động nhất vẫn là cánh tân binh bên các nữ sinh Trường đại học Khánh Hòa. Những chàng sĩ quan Hải quân to cao, vạm vỡ tranh thủ chia tay dặn dò vợ con. Lính phòng không, thông tin… bận rộn với việc sắp xếp hành lý, tư trang, dụng cụ mang ra đảo... Đã nhiều lần được chứng kiến những hình ảnh bịn rịn nhưng rất đỗi tự hào ấy, chúng tôi cũng là những người lính, vẫn không thể nào xua đi sự cay cay trên khoé mắt.

Binh nhất Phạm Tiên Hoàng, sinh năm 1995 vừa tròn 23 tuổi. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Văn hiến, tình nguyện xung phong nhập ngũ tháng 3.2018. Hoàng quê ở Xuân Lộc, Đồng Nai sau khóa huấn luyện trắc thủ radar, anh được phân công về công tác tại Trung đoàn radar 292. Lần này đi làm nhiệm vụ tại Trạm radar 21 đảo Song Tử Tây, Hoàng tâm sự: “Được ra Trường Sa lần này em rất phấn khởi, tự hào khi được thỏa ý nguyện của bản thân, được cống hiến sức trẻ. Hơn nữa, ước mơ của em là viết văn, làm báo, được trải nghiệm ở một vùng đất mới là một cơ hội cho nghề viết”.

Thật bất ngờ khi gặp lại sư thầy Thích Tâm Tánh và sư thầy Thích Tuệ Nhân. Hai năm trước cũng trong mùa chuyển quân, hàng Tết 2016, trên cầu tàu chúng tôi đã có buổi gặp gỡ thú vị. Vẫn nụ cười hiền trên khuôn mặt hao gầy, bao dung, thầy Tâm Tánh cho biết, hai thầy về đất liền nghỉ phép và ra trụ trì tại chùa Trường Sa Lớn, còn thầy Tuệ Nhân về chùa Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh.

Lễ tiễn quân, tiễn tàu diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động. Trên tàu tất cả mọi người đều đứng chật bên mạn, trên boong, hướng về lễ đài. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch UBND tỉnh xúc động: “Quân và dân huyện Trường Sa vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, đoàn kết một lòng, bám trụ vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành trọng trách, vinh quang mà Đảng và nhân dân giao phó. Chuyến đi lần này đã được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tuy nhiên thời tiết trên biển đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến chuyến hành trình dài ngày trên biển. Chúc các cán bộ, chiến sĩ vững tay chèo, cưỡi sóng lớn đưa cái Tết đến Trường Sa an toàn...”.

Giờ phút chia tay đã đến. Ba con tàu lần lượt tách bến ra khơi, tiến thẳng hướng Trường Sa thân yêu. Tiếng còi tàu rền vang chào đất liền cùng với những cái vẫy tay thay cho lời chúc lên đường. Tạm biệt các anh, tạm biệt những cánh én mang mùa xuân đến Trường Sa.

 NGUYỄN XUÂN TÌNH

Ý kiến bạn đọc