Tăng cường vai trò của đoàn viên, thanh niên trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc
VHO - Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024, chiều 18.4 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên MTTQ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Uỷ ban dân tộc và Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức tọa đàm “Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc”.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự tọa đàm. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL), Công đoàn Bộ VHTTDL, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng; các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín và toàn thể đoàn viên, thanh niên Khối các cơ quan Trung ương
Văn hóa đồng bào các dân tộc là vốn quý của đất nước
Phát biểu khai mạc tọa đàm, quyền Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL Lê Minh Đức nhấn mạnh, chúng ta tự hào về một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng với truyền thống hàng nghìn năm lịch sử. Trong đó, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc là tài sản quý giá của đất nước, góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm, đà bản sắc dân tộc.
Đảng ta cũng đã khẳng định, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội. Cùng với đó, bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm giá trị văn hóa vốn có của dân tộc.
Quyền Bí thư Lê Minh Đức cho biết thêm, trong thời gian qua, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã có sự tác động phần nào làm biến đổi giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc. Trong đó, tiếng nói, chữ viết, trang phục, không gian văn hóa truyền thống của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, mất dần bản sắc.
Từ bối cảnh và xu thế phát triển của thời đại, tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương nói riêng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình để tham gia gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
“Trong thời gian qua, tuổi trẻ các cơ sở đoàn trong Khối luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát từ Đảng ủy các đơn vị, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Ban thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương để các đoàn viên, thanh niên trong Khối được phát huy tài năng, sức trẻ, triển khai nhiều chương trình và hoạt động, dự án, công trình thanh niên góp phần bảo tồn, quảng bá những phong tục, tập quán, di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc”, quyền Bí thư Lê Minh Đức nêu.
Do đó, triển lãm ảnh và tọa đàm với chủ đề Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc được tổ chức với mong muốn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc; đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể.
Từ đó, tăng cường sự đoàn kết, củng cố niềm tự hào, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ trong gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Để mỗi bạn trẻ là một đại sứ văn hóa
Trình bày tham luận, đại diện Đoàn Thanh niên cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, với sự phát triển của đời sống xã hội, giới trẻ hiện nay đang được tiếp cận với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí từ trong nước đến quốc tế. Chính sự giao thoa đã tác động không nhỏ đến cách nghĩ, sự tiếp nhận các giá trị văn hóa truyền thống của người trẻ.
Minh chứng rõ nhất là các sân khấu truyền thống trong một thời gian dài phải “gồng mình” trong việc tiếp cận công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Các khoa đào tạo nghệ thuật truyền thống của trường văn hóa, nghệ thuật luôn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể dù đã được ghi danh nhưng luôn canh cánh với việc thiếu hụt lực lượng kế cận, “tre già mà măng chưa mọc”.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực từ ngành văn hóa cho đến giáo dục, các loại nghệ thuật truyền thống đang dần được “phủ sóng”, nhất là trong các nhà trường. Có thể kế đến như Bộ VHTTDL đang tích cực triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, có nội dung đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào hoạt động giảng dạy và hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường.
Ở các địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế với chương trình đưa ca Huế vào trong trường học đã được triển khai từ năm 2019 đến nay.
Sau một thời gian thử nghiệm, Hà Nội mới đây cũng đã triển khai Đề án Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030
Đại diện đơn vị cũng nhấn mạnh, không thể phủ nhận việc đưa các loại nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể vào nhà trường là cách làm “đúng và trúng” của nhiều địa phương trong thời gian qua.
Đại diện Đoàn Thanh niên Ủy ban dân tộc cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên. Giúp thanh niên thấy được những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống. Từ đó, nâng lên thành niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó.
Ngoài ra, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên học tập, rèn luyện. Các ngành cần xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống văn hóa cho thanh niên; xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa xã hội đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần cho thanh niên.
Theo NNƯT Y Sinh (dân tộc Xơ Đăng đến từ Kon Tum), người đang hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, thế hệ trẻ, thanh niên luôn là lực lượng xung kích đi đầu mọi phong trào, mọi lĩnh vực.
Trong đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu, rất cần sự chung tay của các bạn trẻ. Lực lượng thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ có tri thức, lòng nhiệt huyết, cập nhật nhanh nhất những tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại. Chính các bạn trẻ sẽ lan tỏa tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc nhanh nhất tới mọi người dân trong nước và quốc tế.
NNƯT Y Sinh cũng chia sẻ, bà rất vui mừng khi thấy ngày càng nhiều thanh niên quan tâm đến văn hóa dân tộc. Các bạn trẻ, học sinh, sinh viên hiện chiếm số lượng khá lớn khách tham quan tại Làng.
Thế hệ trẻ hôm nay không những đã ý thức được tầm quan trọng của văn hóa truyền thống, mà còn yêu thích khi được tham gia trải nghiệm lễ hội, trò chơi dân gian, ẩm thực, dân ca dân vũ… NNƯT Y Sinh cũng mong muốn được trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc tới những người trẻ.
Với NNƯT Trương Văn Páo (dân tộc Dao, tỉnh Hà Giang), ông cho rằng, cần đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về việc gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình; tích cực phối hợp mở các lớp tập huấn, truyền dạy cho các các thế hệ thanh niên biết về những phong tục lễ hội truyền thống, những làn điệu dân ca, dân vũ,...
Đồng thời, động viên lớp trẻ năng động phát huy làm du lịch cộng đồng gắn với tham gia gìn giữ, bảo tồn, di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc.