Xúc động với những “Hồi ức Điện Biên”
VHO - Sáng 3.5 tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên: Học viện An ninh nhân dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thanh tra Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Trung đoàn E30) tổ chức chương trình chiếu phim tài liệu và toạ đàm “Hồi ức Điện Biên”.
Dự chương trình có đại diện Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Bộ VHTTDL; Đoàn Khối các cơ quan Trung ương; Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; Bí thư Đoàn Thanh niên: Bộ VHTTDL, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thanh tra Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Trung đoàn E30).
Về phía khách mời có Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng Biên tập Báo Phòng không – Không quân, nguyên Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam; Đại tá Trần Liên, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Radar; NSƯT, đạo diễn Đỗ Khánh Toàn, nhà quay phim của bộ phim tài liệu Hồi ức Điện Biên.
Phát biểu tại chương trình, NSƯT Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, bộ phim tài liệu Hồi ức Điện Biên được sản xuất năm 1994, là một trong rất nhiều bộ phim được hãng sản xuất với nội dung về chiến thắng Điện Biên Biên Phủ.
Đây là bộ phim ghi lại những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược và quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nguồn cảm hứng mãnh liệt đối với các nhà làm phim, góp phần không nhỏ vào trang sử vàng của dân tộc.
Phát biểu khai mạc chương trình, Quyền Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL Lê Minh Đức khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử to lớn, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng; thể hiện sự trưởng thành của QĐND Việt Nam. Có thể nói, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là sự kiện làm rung chuyển địa chính trị khu vực và thậm chí toàn cầu.
Đồng thời, những bài học quý báu mà chiến thắng Điện Biên Phủ để lại vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là bài học về phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng của một dân tộc văn hiến và anh hùng. Một bài học về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và quốc tế.
Đó cũng là bài học về phát huy bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam để Đảng và nhân dân ta vận dụng, phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới; kiến tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước như ngày nay.
“Từ những hy sinh của cha ông ta qua những cuộc chiến, thế hệ ngày nay cần phải biết trân trọng sự quý giá của hòa bình, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Hơn nữa, cần nhận thức rõ và đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của chúng ta trong công cuộc học tập và rèn luyện để tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; nhất là trong thời đại mới – kỷ nguyên của công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế", quyền Bí thư Lê Minh Đức nhấn mạnh.
Bộ phim tài liệu Hồi ức Điện Biên được sản xuất năm 1994 bởi ê-kíp gồm NSƯT Lò Minh, Hồ Trí Phổ, Trần Quí Lục, NSND Trần Văn Thủy, NSƯT Đỗ Khánh Toàn, NSND Nguyễn Thước.
Phim khái quát lại quá trình vận động của cuộc kháng chiến thần thánh và kết thúc bằng chiến dịch lịch sử mùa hè năm 1954, lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam. Thông qua lời kể của các cựu chiến binh là các sĩ quan cao cấp của QĐND Việt Nam và những người đã tham gia trực tiếp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ được tái hiện rõ nét với thế hệ ngày nay.
Bên cạnh bộ phim tài liệu Hồi ức Điện Biên, đoàn viên, thanh niên đã có cơ hội hiểu rõ hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ, quá trình làm bộ phim qua lời chia sẻ của các vị khách mời.
Là người trực tiếp tham gia sản xuất bộ phim tài liệu Hồi ức Điện Biên, đạo diễn, NSƯT Đỗ Khánh Toàn chia sẻ: “Khi thực hiện bộ phim, điều khiến tôi xúc động nhất là được gặp các tướng lĩnh trực tiếp tham gia trận chiến. Quá trình sản xuất bộ phim gặp rất nhiều khó khăn. Ngày ấy lên Điện Biên mất nhiều thời gian, chúng tôi phải thay phiên nhau vừa quay phim, vừa cùng nhau sửa xe. Mặc dù gian khổ nhưng bộ phim là thành quả trong ghi lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Cùng với đó, chúng tôi làm phim để thế hệ trẻ ngày nay có cơ hội được ngẫm nghĩ lại về những năm tháng phải hứng chịu “mưa bom, bão đạn” của dân tộc; lấy đó làm động lực làm cống hiến cho Tổ quốc hôm nay”.
Thay mặt đoàn viên, thanh niên tham dự chương trình, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Cường bày tỏ sự biết ơn tới thế hệ đi trước: “Là lớp thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước hoàn toàn thống nhất, tuy không được chứng kiến những thời khắc hào hùng, oanh liệt của cha anh nhưng qua những thước phim tư liệu, những nhân chứng lịch sử… thế hệ trẻ ngày nay đã cảm nhận sâu sắc về giá trị lịch sử to lớn và những bài học ý nghĩa mà chiến thắng Điện Biên Phủ đem lại”
Phó Bí thư Phạm Cường cũng nhắn nhủ, những người trẻ chúng ta cần tự hào, biết ơn hơn nữa về sự hy sinh của cha ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, đoàn viên, thanh niên cần cố gắng đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đưa Việt Nam phát triển hùng cường, sánh vai với cường quốc năm châu.