Bàn chuyện người trẻ làm từ thiện: Của cho không bằng cách cho

VHO- “Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều hình ảnh đẹp, cảm động về những bạn trẻ đi làm thiện nguyện ở vùng sâu, vùng xa. Gần đây nhất là câu chuyện của bé Su Mai Hoa tại xã Thượng Phùng (Hà Giang) bị dị tật dính bàn tay được một nhóm bạn trẻ và bác sĩ Nguyễn Xuân Anh mổ miễn phí, giúp bé tìm lại chức năng cơ thể. Những điều tốt đẹp tương tự như vậy có rất nhiều trong xã hội, minh chứng cho tấm lòng tương thân, tương ái đã trở thành sức mạnh”…

Bàn chuyện người trẻ làm từ thiện: Của cho không bằng cách cho - Anh 1

Dự án “Ăn gì khó, có Quan lo” của bạn trẻ Lê Nhựt Quan đang nhận được sự ủng hộ của công chúng vì mang lại giá trị nhân văn (Ảnh chụp màn hình)

 PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã khẳng định điều đó sau sự việc một bạn trẻ khá nổi tiếng trên mạng xã hội có thái độ bỡn cợt, miệt thị người khó khăn khi đi làm từ thiện. Ngay lập tức, cộng đồng mạng đã lên tiếng mạnh mẽ về thông điệp Của cho không bằng cách cho và làm thế nào để từ thiện thật sự mang lại những giá trị tốt đẹp chứ không phải là công cụ để một số kẻ lợi dụng, làm truyền thông bẩn!

Làm việc tốt bằng cái tâm trong sáng

Có kinh nghiệm 25 năm liên tục làm từ thiện, anh Châu Thành Toàn, người được Guiness Việt Nam trao tặng bằng xác lập “Top Kỷ lục thiện nguyện Việt Nam” nhận định, làm từ thiện phải xuất phát từ cái tâm vô tư và trong sáng. “Nếu không đúng cách có thể làm sai lệch ý nghĩa nhân văn của hai chữ từ thiện, thậm chí gây tổn thương cho những người khó khăn. Làm thiện nguyện phải thực chất, thành tâm và đáp ứng được mong đợi của người yếu thế”, anh Châu Thành Toàn chia sẻ.

Trước tình trạng một số người coi từ thiện là công cụ để đánh bóng tên tuổi, anh Châu Thành Toàn cho rằng: “Nếu họ dùng từ thiện để đẩy tên tuổi của mình lên nhưng vẫn đem lại giá trị tốt đẹp cho những mảnh đời bất hạnh, giúp họ có cuộc sống tốt hơn thì chúng ta không nên lên án. Hoặc có những người làm từ thiện xong, chụp đăng lên mạng xã hội bị dư luận ném đá, coi đây là hành động quảng cáo quá lố. Nhưng thực tế, không ít trường hợp đi kêu gọi tài trợ từ các Mạnh Thường Quân và họ đăng lên mạng để minh chứng việc làm của mình là minh bạch. Chúng tôi gọi đây là “quảng cáo” có đạo đức”.

Gần đây nhất, dư luận được phen “dậy sóng” khi xuất hiện video TikToker Nồ Ô Nô đi làm từ thiện nhưng thể hiện sự không tôn trọng, xúc phạm người lớn tuổi. Ngay sau khi video được đăng tải, cộng đồng mạng đã phản đối kịch liệt, yêu cầu bạn trẻ này phải lên tiếng xin lỗi, cùng với đó là làn sóng tẩy chay cũng diễn ra. TikTok đã thông báo khóa vĩnh viễn tài khoản của người này; ngoài ra, Sở TT&TT TP.HCM ra quyết định xử phạt Nờ Ô Nô 7,5 triệu đồng vì đăng tải loạt video có nội dung không tôn trọng người già neo đơn.

Đối lập với TikToker Nờ Ô Nô, trên TikTok vẫn có biết bao người trẻ tử tế, văn minh, làm từ thiện bằng cái tâm trong sáng. Họ có thể không dư giả về tài chính, không thể trao đi những món quà có giá trị lớn về vật chất, nhưng cách làm lại khiến người khác phải ngưỡng mộ; đúng với thông điệp Của cho không bằng cách cho. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến kênh TikTok Quan không gờ của Lê Nhựt Quan, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Chuỗi dự án “Ăn gì khó, có Quan lo” được chàng sinh viên khởi xướng để san sẻ những bữa ăn ngon đến các cụ già, trẻ em, người lao động có hoàn cảnh vất vả, đang hằng ngày phải “oằn mình” với gánh nặng mưu sinh. Điều khiến công chúng ấn tượng là cách chàng trai thể hiện sự ân cần, trân trọng khi trao đi từng phần quà. Những câu nói đầy tình cảm như: “Dạ con chào bà! Bà có muốn ăn gì không để con mua?”, “Con chúc bà thật nhiều sức khỏe!” khiến ai cũng thấy ấm lòng.

Cần có định hướng cho giới trẻ

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định, việc giới trẻ ngày nay tích cực, chủ động hơn trong hoạt động thiện nguyện là tín hiệu đáng mừng. Điều này không chỉ thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách”, tinh thần “chia ngọt, sẻ bùi” mà còn thể hiện trách nhiệm, đạo đức của mỗi cá nhân để lan tỏa tình yêu thương trong toàn xã hội. “Tuy nhiên, trường hợp của TikToker Nờ Ô Nô là điển hình của việc lợi dụng tình trạng khốn khó để trục lợi, đánh bóng tên tuổi. Điều này đã đi ngược lại những nguyên tắc đạo đức khi tình thương luôn dành cho những người yếu thế; lòng trắc ẩn là yếu tố xây dựng nên đạo đức xã hội. Đó là lý do vì sao chúng ta cần lên án những hành động sai trái, nhằm trả lại môi trường trong lành, hướng thiện cho giới trẻ nói riêng và toàn xã hội nói chung”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hoạt động thiện nguyện có nhiều ý nghĩa không chỉ với người nhận mà còn với cả người trao đi. Ngoài việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống này, hoạt động thiện nguyện còn giúp người thực hiện hình thành tính cách lương thiện, để họ trở nên tốt đẹp, đạo đức, tử tế hơn. Ngược lại, khi sự lương thiện bị lợi dụng, làm điều tốt vì mục đích không tốt thì đó cũng là lúc những giá trị đạo đức bị đảo lộn. Ông Sơn bày tỏ: “Tôi mong đây cũng là bài học đắt giá cho giới trẻ hiện nay trong công tác thiện nguyện để tránh vướng phải những hào nhoáng, ồn ào của mạng xã hội; đem lòng tốt đi khoe khoang, làm méo lệch ý nghĩa của sự tử tế”.

Chia sẻ lời khuyên với những bạn trẻ đã, đang và có ý định làm công tác thiện nguyện, anh Châu Thành Toàn nêu rõ, làm từ thiện nên tuân thủ phương châm: “Thái độ, lời nói và hành động”, thiếu một trong ba yếu tố này, từ thiện khó đạt được giá trị nhân văn tốt đẹp. Ngoài ra, làm từ thiện không nên đại trà mà cần tập trung vào yếu tố chất lượng. Những người có kinh nghiệm lâu năm cũng nên hướng dẫn, định hướng cho lớp trẻ để họ noi bước; giúp lan tỏa những điều tốt đẹp từ hoạt động thiện nguyện. 

NAM ANH

Ý kiến bạn đọc