9x khởi nghiệp từ phế liệu có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng
VHO-Từ hai bàn tay trắng và niềm đam mê đặc biệt với đồ thủ công làm bằng tay, Nguyễn Quang Huy (1996) - cựu sinh viên khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp đã biến phế liệu thành những sản phẩm lưu niệm đẹp mắt có tính nghệ thuật cao mang về thu nhập lên đến 50 triệu đồng mỗi tháng.VHO-Từ hai bàn tay trắng và niềm đam mê đặc biệt với đồ thủ công làm bằng tay, Nguyễn Quang Huy (1996) - cựu sinh viên khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp đã biến phế liệu thành những sản phẩm lưu niệm đẹp mắt có tính nghệ thuật cao mang về thu nhập lên đến 50 triệu đồng mỗi tháng.
Không giống như những bạn bè cùng trang lứa khác, từ nhỏ Huy đã thích mày mò với những món đồ chơi hỏng và những thứ tưởng chừng bỏ đi xung quanh cuộc sống của mình. Gia đình Huy làm kinh doanh nên bố mẹ không ngừng phản đối việc cậu theo học đồ họa. Để có thể theo học Mĩ thuật Công nghiệp, Huy đã phải cố gắng rất nhiều để chứng tỏ khả năng của mình. “Và môi trường đại học đã giúp mình học hỏi thêm được nhiều “mảng” nghệ thuật hơn nữa đặc biệt là là handmade, setup nói riêng và thiết kế mĩ thuật nói chung”, chàng trai Bắc Ninh tài hoa cho biết.
Thời gian bắt đầu mới vào trường Huy chăm chỉ làm những công việc nhỏ từ nhân viên bán hàng, chạy bàn, pha chế và phát triển học hỏi mọi thứ dần dần đến kinh doanh nhỏ sản xuất sản phẩm handmade bán lẻ và bán buôn. Thời gian sau này, anh thêm thiết kế vào sản phẩm, học chụp mẫu để sản phẩm hoàn thiện hơn mỗi ngày. Rồi khi bắt đầu bén duyên với công việc này, Huy bắt đầu từ việc nghe yêu cầu của khách hàng lên idea, concept, sản phẩm demo, sản xuất mẫu - sản xuất hàng loạt, thiết kế các ấn phẩm đi kèm...
Huy vẫn thường đùa rằng mình "dành cả thanh xuân ở nhà và ở bãi rác" vì tiêu tốn khá nhiều thời gian để tìm gỗ, chai lọ cũ… ở những cửa hàng phế liệu. Sau đó, cậu trở về nhà và say sưa chế tạo, lắp ghép chúng thành những thành phẩm khiến bạn bè kinh ngạc. Anh chia sẻ: “Hầu như tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật mà khách hàng yêu cầu mình đều có thể đáp ứng được”.
Tuỳ vào yêu cầu khách hàng và khối lượng công việc, thường thì Huy sẽ làm nhiều việc cùng lúc rồi phân bố thời gian thật phù hợp. Các mẫu mô hình thuyền trong chai là một trong những thành quả anh thích nhất cũng như là công việc đầu tiên mà chàng trai 9x tài ba này theo đuổi, gắn bó lâu nhất.
“Những ngày đầu mình gặp khá nhiều khó khăn vì lúc đó đi theo một con đường riêng và không không có người đồng hành, mình phải tự tìm tòi mọi thứ, thử sức ở nhiều lĩnh vực... nhưng có thất bại thì mới có thành công, và tất cả đều mang lại cho mình những trải nghiệm, những bài học mới để hoàn thiện bản thân hơn” – Huy chia sẻ.
Từ chỗ chỉ quanh quẩn ở nhà làm đồ thủ công, Huy đã mạnh dạn đem đồ đi bán tại các hội chợ dành cho người trẻ và dần được chú ý. Anh đã đạt được một số giải thưởng có tiếng vang nhất định như như giải Nhất cuộc thi “Sáng tác sản phẩm lưu niệm - thủ công chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam; giải Nhất cuộc thi “Thiết kế sản phẩm thủ công sáng tạo” do đại sứ quán Mỹ tổ chức…
Thời gian gần đây, Nguyễn Quang Huy mở rộng hoạt động sang một số lĩnh vực khác bên cạnh việc làm đồ thủ công như tham gia thiết kế mỹ thuật cho video ca nhạc mang tên “Thanh Xuân” của nhóm DA LAB và là khách mời tham dự chương trình “Sống xanh ai là chuyên gia” – VTV. Ngoài ra, anh còn làm thêm về chuẩn bị phục trang, đạo cụ cho một số chương trình của VP Bank, Techcombank, sự kiện chùa Hương đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, thiết kế quà sinh nhật nội bộ theo yêu cầu của Vingroup...
Hiện tại, cậu đang thành lập một xưởng handmade nho nhỏ và tập hợp những bạn trẻ có cùng đam mê lại với nhau để làm việc. Ở tuổi 22, không những Huy lập nghiệp được bằng chính đam mê và năng lực của bản thân với thu nhập đáng mơ ước mà cậu còn tạo được việc làm cho các bạn cùng trang lứa.
Khi được hỏi về lời khuyên với những người mới bước chân vào nghề, cậu chia sẻ: “Mình thì không có lời khuyên gì cả vì mỗi người đều có câu chuyện và hướng đi riêng của mình vì nghệ thuật là thứ muôn hình vạn trạng, nhưng mình luôn coi trọng họ, những người hi sinh tuổi trẻ để làm đẹp cho đời”.
Trần Hồng Hạnh