Trái chủ bức xúc về cách ứng xử của Tập đoàn Hưng Thịnh

P.V

VHO - Không được trả gốc và lãi trái phiếu theo cam kết riêng, trái chủ còn tỏ ra bức xúc vì cách ứng xử của những người đại diện cho tập đoàn Hưng Thịnh.

Trái chủ bức xúc về cách ứng xử của Tập đoàn Hưng Thịnh - ảnh 1

Hành trình gian nan của trái chủ Hưng Thịnh

Phản ánh trên là của Chị N., trái chủ 2 mã trái phiếu do Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land và Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Investment phát hành. Đây là hai công ty nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp).

Cả hai mã trái phiếu này đều đáo hạn vào năm 2023 nhưng tập đoàn Hưng Thịnh chưa thanh toán gốc, lãi theo tiến độ đã cam kết với nhà đầu tư. Điều đáng nói, giữa chị N. và Hưng Thịnh còn có thỏa thuận riêng về thanh toán gốc, lãi.

Cụ thể, sau khi trái phiếu đáo hạn và không nhận được bất kỳ khoản chi trả nào, trái chủ đã liên hệ với Hưng Thịnh để giải quyết vụ việc. Ngày 30.5.2023, đôi bên có cuộc làm việc tại TP.HCM. Đại diện phía tổ chức phát hành trái phiếu là ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Investment. Ngoài ông Cường có bà Đặng Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land.

Tại buổi làm việc, ông Cường vẫn hứa hẹn: “Ngoại trừ trường hợp Hưng Thịnh né tránh, ngoại trừ trường hợp đóng cửa công ty, và đây là tiếng nói của Hưng Thịnh chứ không phải cá nhân, rằng nợ là phải ưu tiên trả, trả càng sớm càng tốt”. Trong khi đó bà Lan Phương, người phụ trách mảng trái phiếu của tập đoàn còn nhấn mạnh về sự uy tín của Hưng Thịnh trong việc thanh toán nợ trái chủ.

Sau buổi làm việc, đôi bên đi đến thỏa thuận Hưng Thịnh cam kết chậm nhất đến ngày 16.11.2023 thực hiện chi trả toàn bộ khoản gốc, lãi. Chị N. cũng thể hiện thiện chí bằng cách chấp nhận không nhận lãi trái phiếu từ ngày 30.5.2023 đến ngày 16.11.2023. 

Đến hết ngày 16.11.2023, nếu không thực hiện đúng cam kết thì Hưng Thịnh đồng ý áp dụng lãi suất cố định cho trái phiếu từ ngày 7.3.2023 đến ngày 16.11.2023 là 15% năm; từ ngày 17.11.2023 áp dụng lãi chậm trả theo mức 20%/năm đối với tất cả các khoản tiền chưa thanh toán của trái chủ này.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn chi trả (ngày 16.11.2023), Hưng Thịnh không thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận đã ký và cũng chẳng có động thái nào thể hiện thiện chí vụ việc. Vì thế, chị N. đã đến trụ sở và làm việc với ông Lương Đức Tâm, Giám đốc Quan hệ tài chính - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh. Ông Tâm tiếp nhận và hứa hẹn sẽ có công văn của tổ chức phát hành trái phiếu trả lời chính thức cho trái chủ.

Dù vậy Hưng Thịnh vẫn không có công văn chính thức nào gửi đến trái chủ. Thay vào đó chỉ là một tin nhắn từ ông Tâm, để gửi công văn do ông Võ Văn Thư, Phó Tổng Giám đốc ký ngày 30.11.2023, với nội dung trình bày khó khăn và xin giãn nợ, không thể hiện được thiện chí và tinh thần của văn bản thỏa thuận trước đó giữa đôi bên. 

Từ đó, chị N. nhiều lần liên hệ làm việc nhưng đều bị Hưng Thịnh phớt lờ. Chỉ đến khi chị N. gửi đơn thư phản ánh đến báo Văn Hóa, đôi bên mới có thêm một cuộc làm việc vào ngày 6.8.2024 tại Hà Nội. Dù vậy, kết quả vẫn chỉ là nỗi thất vọng.

Cuộc họp chỉ kéo dài 30 phút, đại diện bên phía Hưng Thịnh là ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Phòng Quan hệ Tài chính khu vực Hà Nội không hề nắm được nội dung văn bản thỏa thuận giữa đôi bên trước đó. Và như cuộc họp với ông Tâm, ông Tùng chỉ hứa tiếp nhận và đề xuất lãnh đạo xử lý.

Có chăng ông Tùng hẹn muộn nhất đến ngày 15.8.2024, phía Hưng Thịnh sẽ có câu trả lời chính thức nhưng thực tế đến nay chưa có bất cứ phản hồi nào.

Trái chủ bức xúc về cách ứng xử của Tập đoàn Hưng Thịnh - ảnh 2

Dấu hỏi về văn hóa ứng xử và trách nhiệm

“Bản thân tôi đã rất thiện chí để đàm phán (không lấy lãi trong 6 tháng nếu Hưng thịnh thanh toán cả gốc lãi trái phiếu vào ngày 16/11/2023 như văn bản thỏa thuận đã ký), để chờ đợi (quá hạn từ năm 2023 đến nay là năm 2024), rất kiên nhẫn để gặp gỡ ( 03 lần). Nhưng cái tôi nhận được đến bây giờ là ông Tùng lại tiếp nhận thông tin rồi hứa hẹn nhưng không hề nắm được nội dung làm việc giữa tôi và Hưng Thịnh. Thử hỏi, đến người được Hưng Thịnh cử làm đại diện để làm việc với trái chủ còn thờ ơ như thế thì làm sao có sự thiện chí nào trong việc giải quyết vụ việc”, chị N. bộc bạch.

Tập đoàn Hưng Thịnh vốn là doanh nghiệp lớn trong trong ngành bất động sản, tuy nhiên, cách ứng xử của Hưng Thịnh khiến chị N. cảm thấy bức xúc.

“Không thể cứ đổ cho lý do kinh tế mà cứ im lặng và phớt lờ đi như vậy. Tôi cũng có gia đình để lo lắng và đã thể hiện thiện chí qua việc chấp nhận không nhận lãi suất trong gần nửa năm, một quãng thời gian tương đối dài và là số tiền không hề nhỏ đối với cá nhân tôi. Thiếu nợ thì phải tìm cách giải quyết và ứng xử làm sao cho ổn thỏa để đôi bên có sự cảm thông cho nhau, chứ không thể hành xử theo kiểu lập lờ và coi thường người khác như Hưng Thịnh đang làm”, trái chủ này chia sẻ.

Ngày 24.5.2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (BTC 248) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Hội nghị nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1925/VPCP-KGVX ngày 23/3/2021 về việc giao Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ban hành Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, với các hành vi ứng xử cụ thể, đó là ứng xử với khách hàng, cộng đồng; là cách giao tiếp với đối tác trong và ngoài nước, trách nhiệm với xã hội, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định đối tác song phương, đa phương thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng được thể hiện sâu sắc, toàn diện.

Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ tiêu chí chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các Bộ, nghành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các Bộ, nghành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Bộ tiêu chí sau khi hoàn thành đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.

Trong Bộ tiêu chí này, nổi bật là 5 không:

1. Không buôn lậu, không trốn thuế: Là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đóng góp xây dựng đất nước.

2. Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại là thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng.

3. Không nợ lương và bảo hiểm xã hội là trách nhiệm đối với người lao động trong doanh nghiệp.

4. Không lừa đảo, lợi dụng, làm hại các tổ chức, cá nhân khác là trách nhiệm tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

5. Không vi phạm pháp luật là trách nhiệm giữ gìn kỷ cương, phép nước.

Đó là những tiêu chí rất căn bản của văn hóa kinh doanh hiện nay, mà doanh nghiệp nào cũng phải hội đủ. Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, ngoài việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sẽ cần phải quan tâm đến phong cách ứng xử; những nguyên tắc, cam kết trong kinh doanh và nâng cao tính chuyên nghiệp, năng suất, chất lượng… Thế nhưng, cách ứng xử của Hưng Thịnh không thể xem là đảm bảo bộ tiêu chí về Văn hóa kinh doanh.