Từ vụ tranh chấp tác quyền bài thơ Gánh Mẹ: Cần hiểu đúng về Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
VHO- Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ nhà thơ Trương Minh Nhật đưa đơn khởi kiện ông Đoàn Đông Đức (nghệ danh Quách Beem) và Công ty TNHH Lý Hải Production, lý do là đã sử dụng trái phép bài thơ Gánh mẹ (làm nhạc phim cùng tên) sử dụng trong bộ phim Lật mặt 4 - Nhà có khách.
Tra cứu thông tin về quyền tác giả trên Niên giám đăng ký quyền tác giả Việt Nam. Ảnh chụp ngày 24.2
Vụ việc chưa có kết luận từ phía cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên, liên quan đến vụ kiện này, nhiều người đang quan tâm về ý nghĩa của Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký quyền tác giả - một văn bản có giá trị pháp lý chứng minh quyền sở hữu tác phẩm một cách hợp pháp.
Quyền tác giả: Đăng ký không có nghĩa là được công nhận (?!)
Sở dĩ có sự mơ hồ này là bởi vì trong vụ kiện nói trên, phía nhà thơ Trương Minh Nhật, mà cụ thể là luật sư Phan Vũ Tuấn - người đại diện pháp lý của ông đã giải thích trên một số tờ báo rằng, “GCN đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp chỉ là tài liệu ghi nhận các thông tin về tác phẩm, tác giả, chủ sở hữu đến đăng ký, hoàn toàn không phải là tài liệu bắt buộc để hưởng quyền tác giả được quy định tại Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ. Do vậy, GCN đăng ký quyền tác giả không phải là tài liệu có giá trị tuyệt đối xác định người đăng ký là tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm”(?). Xung quanh phát ngôn này, nhiều người cho rằng nếu hiểu theo cách giải thích của vị luật sư thì phải chăng tác giả (hoặc chủ sở hữu của tác phẩm) không nhất thiết phải đăng ký chứng nhận quyền tác giả với cơ quan Nhà nước, bởi vì như lập luận nói trên, thì cho dù đã có GCN đăng ký quyền tác giả, nhưng đây vẫn “không phải là tài liệu có giá trị tuyệt đối xác định người đăng ký là tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm”. Thực ra, cách giải thích của luật sư Phan Vũ Tuấn có thể hiểu là trong một hoàn cảnh cụ thể, khi mà đặt trường hợp người đi đăng ký chứng nhận quyền tác giả không phải là tác giả thật của tác phẩm, thì cho dù anh có bao nhiêu GCN đi chăng nữa, mà chỉ cần có chứng cứ đủ cơ sở pháp lý để chống lại, thì coi như GCN quyền tác giả - trong trường hợp đó là vô nghĩa.
Như vậy, trở lại câu chuyện về giá trị và ý nghĩa của GCN đăng ký quyền tác giả được pháp luật bảo vệ như thế nào và tác giả (chủ sở hữu tác phẩm) có cần thiết phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp GCN đăng ký quyền tác giả hay không? Trên thực tế thời gian qua, rất nhiều vụ tranh chấp, khiếu nại bản quyền đã xảy ra phần lớn do nhiều người hiểu không đúng giá trị pháp lý cũng như ý nghĩa của GCN đăng ký quyền tác giả theo luật định.
Pháp luật Việt Nam, hài hòa với điều ước quốc tế, cũng có quy định rằng việc đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Bởi tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”, điều này có nghĩa quyền tác giả được bảo hộ tự động, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Tuy nhiên, trước tình trạng xâm phạm quyền tác giả ngày càng trở nên phổ biến, thì thiết nghĩ các tác giả nên đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm của mình.
Khi có tranh chấp, bên không có GCN sẽ phải chứng minh mình là tác giả
GCN đăng ký quyền tác giả chứng minh quyền sở hữu tác phẩm một cách hợp pháp. Trên giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ có ghi nhận các thông tin về nhân thân của (các) tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, tên tác phẩm, loại hình tác phẩm, và ngày đăng ký của tác phẩm. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tác giả đã hoàn thành tác phẩm và đã nộp bản lưu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. GCN đăng ký quyền tác giả là cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh. Theo đó, tổ chức, cá nhân đã được cấp GCN đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại (khoản 3 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ). GCN đăng ký quyền tác giả được coi là bằng chứng về quyền tác giả, nó giải phóng cho người có GCN khỏi nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Lý do là vì khi nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, tác giả (chủ sở hữu tác phẩm) đã nộp bản sao tác phẩm để lưu trữ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi có tranh chấp về quyền tác giả, bên không có GCN sẽ phải chứng minh mình là tác giả hoặc là chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm bằng rất nhiều tài liệu, chứng cứ thể hiện rõ thời điểm hoàn thành tác phẩm và độ tin cậy của các tài liệu, chứng cứ này trước cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Việc tiến hành đăng ký quyền tác giả còn ngăn chặn các hành vi xâm phạm từ bên ngoài, bởi lẽ khi đăng ký hợp lệ, thông tin liên quan đến đăng ký quyền tác giả được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả; công bố trên Công báo về quyền tác giả (Điều 54 Luật Sở hữu trí tuệ); công khai trên “Niên giám đăng ký quyền tác giả Việt Nam” hằng năm; và đưa lên trang web quyền tác giả Việt Nam. Điều này rất thuận tiện cho việc tra cứu, liên hệ để khai thác, sử dụng tác phẩm, tránh được những đầu tư sáng tạo trùng lặp hoặc phát hiện các hành vi khai báo gian dối.
Như vậy, việc đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm có thể được xem như là “đăng ký khai sinh”. Một tác phẩm sẽ phát huy trọn vẹn giá trị khi và chỉ khi nó hợp pháp và được chính sự hợp pháp ấy bảo vệ.
Việc tiến hành đăng ký quyền tác giả ngăn chặn các hành vi xâm phạm từ bên ngoài, bởi lẽ khi đăng ký hợp lệ, thông tin liên quan đến đăng ký quyền tác giả được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả; công bố trên Công báo về quyền tác giả (Điều 54 Luật Sở hữu trí tuệ); công khai trên “Niên giám đăng ký quyền tác giả Việt Nam” hằng năm; và đưa lên trang web quyền tác giả Việt Nam. Điều này rất thuận tiện cho việc tra cứu, liên hệ để khai thác, sử dụng tác phẩm, tránh được những đầu tư sáng tạo trùng lặp hoặc phát hiện các hành vi khai báo gian dối. |
THÙY TRANG