Thời của âm nhạc “kết duyên” cùng văn học?
VHO- Thời gian qua, âm nhạc Việt chứng kiến hiện tượng nhiều sản phẩm âm nhạc được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học. Trước đó, không ít những ca khúc được nhạc sĩ lấy cảm hứng từ những tác phẩm thơ cũng đã mang lại thành công. Tuy nhiên, cuộc “hôn phối” mới mẻ giữa âm nhạc và văn học dường như tạo làn gió mới thú vị cho thị trường âm nhạc năm vừa qua.
Nhiều nhân vật văn học Việt Nam trong MV “Để Mị nói cho mà
Theo đó, các nhân vật như Mị trong Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương trong Bánh trôi nước, Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, Kiều của Nguyễn Du, hay các tác phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng,… cũng đã bắt nhịp được khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Không còn là những nhân vật của riêng văn chương, nhờ sức sáng tạo của các loại hình nghệ thuật đương đại, những nhân vật trong văn học đã bước vào đời sống hiện đại với rất nhiều cung bậc cảm xúc và diện mạo mới. Trong đó, điểm chung có thể dễ nhận thấy là những tác phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ văn học và nhân vật trong tác phẩm văn học được các nghệ sĩ biến hóa cho tươi vui, sinh động, hợp với thị hiếu nên đã chinh phục được nhiều khán giả.
MV Để Mị nói cho mà nghe mang âm hưởng sôi động, ca từ vui nhộn, bài hát đã thoát khỏi cái không khí hiện thực nặng nề của truyện ngắn. Trong tác phẩm mới này, Mị hiện lên với một diện mạo tươi tắn, căng tràn sức sống. Tác phẩm âm nhạc đã xây dựng một cốt truyện hấp dẫn khi biến nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ thành nguồn kết nối nhiều nhân vật văn học nổi tiếng khác. Trong chuyến du xuân của mình, Mị truyền cảm hứng tự do cho những cuộc đời, những thân phận văn học khác như lão Hạc, chị Dậu, Chí Phèo, Thị Nở, Xuân tóc đỏ, kéo họ thoát khỏi kiếp đời luẩn quẩn, tối tăm bước vào hành trình tương lai tươi sáng… MV còn vẽ nên bức tranh lộng lẫy vùng Tây Bắc với tiếng sáo du dương, những điệu múa và trang phục rực rỡ của những cô gái Mông vùng Tây Bắc, những điều mà Tô Hoài chỉ có thể dùng câu chữ để diễn tả, qua MV, với lợi thế kết hợp đa dạng các loại hình nghệ thuật đã thể hiện được trọn vẹn hơn.
Vợ chồng A Phủ cũng từng được Đen vâu đưa vào bài hát cùng tên, thể loại Rap với ngôn từ hiện đại, chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ. Ca sĩ Bá Hưng cũng đã thể nghiệm làm mới nàng Kiều của Nguyễn Du trong ca khúc Kiều của mình. Bùi Công Nam khoác cho Chí Phèo của Nam Cao một đời sống tinh thần mới. Ca sĩ Chi Pu cũng cho ra mắt MV Anh ơi ở lại lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám; MV Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc lấy cảm hứng từ truyện ngắn Chí Phèo và ca sĩ Jun Phạm cho ra mắt MV Đây là một bài hát vui lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng,…
Cách làm sáng tạo, hiện đại của các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đã tạo được làn gió mới, gây hiệu ứng tích cực với khán giả, được giới chuyên môn đánh giá là sự tiếp nối dũng cảm hướng tìm tòi, khai thác tương đối khó khăn so với lối sáng tác cảm xúc ngôn tình. Với cách làm mới đầy tính sáng tạo và nghệ thuật này, các tác phẩm âm nhạc gây thiện cảm ngay từ ban đầu cho khán giả. Người nghe cảm nhận sự thân quen ngay từ giai điệu, tạo hình nhân vật và cả ca từ, từ đó, những tác phẩm văn học gần gũi hơn với công chúng.
Một nhạc sĩ gạo cội cho rằng, những nỗ lực của các nghệ sĩ, ca sĩ trẻ trong việc kết hợp giữa văn chương và âm nhạc là rất đáng được cổ vũ và đón nhận. Họ không dễ dãi khi thể hiện nhân sinh quan và chọn con đường đến với nghệ thuật. Một tác phẩm âm nhạc hay là vừa đáp ứng thị hiếu của khán giả trẻ, vừa khơi gợi cho người nghe niềm hứng khởi, yêu thích mong muốn trở lại tìm hiểu kỹ hơn về văn chương, lịch sử là điều rất đáng quý. Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng nhận định, sáng tác âm nhạc từ tác phẩm văn học đòi hỏi ở người sáng tác không chỉ có tài năng âm nhạc mà cả bề dày kiến thức, cùng với sự khéo léo trong cách biểu đạt tác phẩm phù hợp với thị hiếu công chúng và xu hướng âm nhạc… Nếu không, chính những nghệ sĩ này sẽ làm hỏng đi tác phẩm văn học.
Khi thực hiện các sản phẩm âm nhạc trên, nghệ sĩ đứng trước những lựa chọn phải làm sao để sản phẩm của mình không bị cái bóng quá lớn của nhân vật văn chương lấn át, khiến cho bài hát chỉ còn là minh họa cho tác phẩm. Những minh chứng thời gian qua cho thấy, hầu hết các tác phẩm đã được đón nhận, thậm chí tạo “hit” đặc biệt là với Để Mị nói cho mà nghe do Hoàng Thùy Linh trình bày, đã tạo ra một xu hướng MV cực thịnh ở thị trường âm nhạc, là cái tên khuấy đảo thị trường nhạc Việt năm qua cũng như các giải thưởng lớn.
Cũng từ xu hướng này, dường như nhiều nghệ sĩ đã tạo ra một trường phái, một hướng đi mới mẻ hơn cho âm nhạc Việt đó là trường phái âm nhạc văn minh, trí tuệ và giàu chất nghệ thuật. Sự “lột xác” trong âm nhạc của các nghệ sĩ trẻ đã tạo được sự mới mẻ, thể hiện góc nhìn đa diện về thời đại, điều này chẳng những làm cho tác phẩm âm nhạc của họ có chỗ đứng, tăng thêm giá trị mà tác phẩm văn học vì thế cũng có thêm một đời sống tinh thần, khiến các bạn trẻ dễ nhớ, dễ đi vào cuộc sống hiện đại.
Với sự “kết duyên” thành công như thời gian qua, khán giả có quyền mong đợi những sản phẩm âm nhạc chất lượng tiếp theo với sự sáng tạo, tư duy đổi mới, không chỉ là sự kết đôi giữa âm nhạc và văn chương mà có thể ở nhiều địa hạt khác.
THÙY TRANG