Thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020
VHO - Sáng 21.9, tại Nhạc viện TP.HCM, Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 đã chính thức diễn ra với sự tham gia đông đảo của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật Nam Bộ.
Để đảm bảo an toàn các biện pháp phòng chống dịch, Bộ VHTTDL đã ứng biến kịp thời, quyết định hình thức tổ chức mới, đó là Cuộc thi sẽ tổ chức tại 5 địa điểm bao gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Thanh Hóa; Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, lễ khai mạc đã diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đến dự lễ khai mạc tại Nhạc viên TP.HCM có sự hiện diện của: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông (Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi), PCT Cục nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, PCT thường trực Hội nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Đức Trịnh, PGĐ Sở VHTT TP.HCM NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy…
Ông Trần Hướng Dương đại diện ban tổ chức phát biểu khai mạc
Đại diện BTC cuộc thi, ông Trần Hướng Dương chia sẻ: “Để quảng bá và thú hút đông đảo khán giả cho cuộc thi, lần này cuộc thi được ghi hình và phát trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên các hoạt động liên hoan, cuộc thi chuyên nghiệp được phát trực tiếp trên kênh Youtube.”
Cuộc thi độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020 là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá truyền thống, tinh hoa của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cuộc thi lần này thực sự là một ngày hội lớn để biểu dương các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trên cả nước với 650 nghệ sĩ của 35 đoàn nghệ thuật cùng tham gia đua tài.
BTC trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa cho ban giám khảo cuộc thi
Hơn thế nữa cuộc thi là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm với nhau.
Cuộc thi chia làm bốn bảng: Hòa tấu dành cho các đơn vị kịch hát dân tộc; hòa tấu dành cho các đơn vị ca múa nhạc, Học viện âm nhạc, Nhạc viện; độc tấu dành cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị kịch hát dân tộc; độc tấu dành cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị ca múa nhạc, Học viện âm nhạc, Nhạc viện và các nghệ sĩ ngoài công lập.
Tại TP.HCM, cuộc tranh tài sẽ diễn ra liên tục từ ngày 21 đến 23.9 với sự tham gia của Nhạc viện TP.HCM, Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh, Khoa kịch hát dân tộc trường Đại học Sân khấu TP.HCM, Đoàn ca múa nhạc tỉnh Bình Phước, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh tỉnh Bình Thuận, Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An và nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu. Các nghệ sĩ sẽ cùng nhau tranh tài biểu diễn các loại hình âm nhạc truyền thống như tuồng, cải lương, hát ru; bộ hơi: sáo trúc, sáo tre ; bộ dây: nhị, cò…; bộ gảy: nguyệt, tranh, tỳ bà, tam thập lục…
Phần thi mở màn của Nhạc việnTP.HCM
Mở màn cho Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2020 tại TP. HCM là phần thi đầy hấp dẫn do giảng viên và sinh viên khoa âm nhạc truyền thống - Nhạc viện TP.HCM biểu diễn. Bao gồm: Phiên chợ vùng cao, Thảo nguyên tươi đẹp (độc tấu sáo trúc); Tình quê hương, Bình Minh (độc tấu đàn Nguyệt); Khát vọng, Đồng cảm (độc tấu đàn bầu)… Và phần thi còn lại của các đơn vị khác sẽ được diễn ra tiếp tục trong vòng 3 ngày.
Sau khi cuộc thi diễn ra ở 5 địa điểm, hội đồng giám khảo sẽ chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất để trao giải vào ngày 4.10 tới đây, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, TP Hà Nội.
HỒNG HẠNH