Nhạc “rác, nhảm, bẩn”... ngày càng lộng hành

VHO- Nhạc Việt gần đây ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm có nội dung ca từ nhảm nhí, phản cảm, giai điệu chắp vá, cóp nhặt, thực sự là “rác” nghệ thuật khiến dư luận bức xúc.

Nhạc “rác, nhảm, bẩn”... ngày càng lộng hành - Anh 1

 MV “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy đã bị “bay màu” sau nhiều đả kích, phản ứng dữ dội của công chúng

Tuy nhiên, điều đáng nói là thứ âm nhạc này vẫn hàng ngày hàng giờ hiện hữu trên rất nhiều phương tiện nghe nhìn và không ít người trẻ đang hồn nhiên tiếp nhận, học theo...

“Sáng tạo” hay “ đầu độc”

Những ngày qua, ca khúc Censored của rapper Chị Cả được phát hành từ năm 2020 bỗng bất ngờ bị “đào lên” và trở thành giai điệu hot trên nền tảng TikTok với tên gọi Mua cho con cái còng tay. Điều đáng nói là những câu từ trong bài rất dung tục và phản cảm khiến nhiều người phải đỏ mặt. Trước đó, trong một sự kiện âm nhạc Hip-hop, rapper Chị Cả đã trình diễn bản rap này và nhận được cổ vũ cuồng nhiệt từ khán giả, tất cả cùng “quẩy” và hát theo đầy hào hứng. Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc: “Mình đã từng nói, nếu chúng ta cứ dễ dãi, xuề xòa với những cái tên bài hát gây sốc thì rồi sẽ có những bài hát gây sốc toàn diện về cả nội dung ca từ, thì y như rằng hôm qua thấy bài Mua cho con cái còng tay”!

Hay thời gian gần đây, bài rap có tên Thích Ca Mâu Chí của kênh YouTube Rap Nhà Làm cũng bị cư dân mạng lên tiếng phản đối dữ dội. Ngay từ phần tựa đề, bản nhạc đã gây tranh cãi bởi cái tên cắt ghép giữa tên “Thích Ca Mâu Ni” của đức Phật và Chí, người sáng tác ra bản nhạc. Về phần nội dung, chủ nhân của ca khúc đã liên tục sử dụng những ngôn từ khiếm nhã khiến người nghe có cái nhìn méo mó, sai lệch về đạo Phật; những hình ảnh minh họa của clip cũng được chế từ một sự tích trong cuộc đời Đức Phật. Việc một rapper underground (dòng chảy ngầm, không chính thống) cho ra những bản rap có ca từ gay gắt để thể hiện cá tính mạnh mẽ không phải điều quá xa lạ, thế nhưng, dường như sự “sáng tạo” này đã đi qua giới hạn và trở nên dị hợm trong mắt công chúng.

Ngược thời gian về trước, làng nhạc Việt từng “đảo điên” với những bài hát mà mới chỉ nghe qua tên người ta đã “hết hồn” như: Em như kem chuối, Anh đếch cần gì nhiều ngoài em, Như cái lò, Mẩy thật mẩy… Đa phần những bài hát này đều được hình thành từ môi trường underground của những người sáng tác không chuyên, hoạt động tự do, có thể tha hồ thể hiện cái tôi và cá tính sáng tạo riêng mà không sợ bị “sờ gáy”. Tuy nhiên, dần dà nhiều người đã chuyển hoạt động sáng tác của mình từ underground sang mainstream (dòng chảy chính thống) để âm nhạc đi vào đời sống. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có những người cứ mãi lẩn quẩn với những sản phẩm vô nghĩa và dung tục. Chính những đối tượng này đã khiến âm nhạc bị biến tướng hoặc mất đi nhiều giá trị, nói cách khác, chính họ là những đối tượng đang đầu độc giới trẻ bởi những thứ phi văn hoá được coi là âm nhạc…

Theo ThS tâm lý Trần Thị Thanh Trà, tâm lý con người luôn tò mò trước những điều mới lạ, đặc biệt là giới trẻ. Thế nên, dù nhiều nghệ sĩ cho rằng mình chỉ thực hiện ca khúc với mục đích giải trí, nhưng giải trí thì cũng phải lành mạnh và có giới hạn. Họ không thể lấy chuyện văng tục, chửi thề, “giường chiếu” phản cảm để đưa vào lời ca hay MV được. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến gu thẩm mỹ, nhận thức, hành vi của thế hệ tương lai”.

Còn quá nhiều lỗ hổng

Không chỉ mất điểm ngay từ tiêu đề, nói lái, nói lóng cùng những hình ảnh nhảm nhí cũng là cách mà nhiều ca sĩ lựa chọn để gây ấn tượng. Mở đầu bài hát Như cái lò là những tiếng thở gấp gáp, hổn hển và cho đến tận giây cuối, thứ duy nhất ám ảnh người nghe là việc lặp đi lặp lại câu “nóng như cái lò, nóng nóng như cái lò”. Bài hát không chỉ khiến dư luận ức chế vì cái tên liên tưởng đến câu chửi thề mà ngay cả lời ca, giai điệu, nội dung MV cũng vô cùng… vớ vẩn. Cũng khai thác thời tiết nóng bức, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng đã từng trình làng ca khúc mang cái tên khiến ai nấy giật mình thon thót: Nắng cực - một kiểu nói lái tục tĩu trong dân gian. Hay ca khúc Quăng tao cái boong của Huỳnh James lại như đang cổ súy tình trạng hút cần sa trong giới trẻ. Thậm chí, thời gian gần đây nhiều bậc phụ huynh “hú hồn” khi thấy con trẻ nghêu ngao: “Dân châu Á đã đi vào bar, hai tay ta phi đô la…”. Và còn rất rất nhiều ca khúc, MV khác tương tự đang nhởn nhơ ngoài kia. Các sản phẩm này không chỉ đề cao lối sống ích kỷ, bất cần, thích hưởng thụ, mà còn có nguy cơ đẩy lùi thị hiếu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ, dần dà hình thành xu hướng nghe nhạc dễ dãi, rẻ tiền, làm lụi tàn khả năng lao động sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc… Do đó, đã đến lúc cần “quét sạch những thứ rác rưởi này, âm nhạc phải là chân - thiện - mỹ”, như nhạc sĩ Thế Hiển đã từng bày tỏ.

Tuy nhiên, chế tài xử phạt còn quá nhẹ cộng với kênh phát hành là YouTube, mạng xã hội, trang nghe nhạc trực tuyến khiến những ca khúc “nhảm” này vẫn tìm mọi cách luồn lách để cắm rễ mà không sợ “bàn tay” kiểm duyệt. Bởi khi lượt xem tăng, họ nghiễm nhiên sẽ có doanh thu, đó là chưa kể được “ăn” tiền quảng cáo của các nhãn hàng. Sự lan tỏa mạnh mẽ của kênh phát hành này cũng khiến ranh giới giữa giới underground và mainstream trở nên nhạt nhòa, và khả năng lan tỏa của những ca khúc này vì thế cũng vô cùng nhanh chóng. Chưa kể, như đại diện YouTube ở Việt Nam thừa nhận, có rất nhiều thủ thuật để một video được xếp vào hàng top. Đây chính là lỗ hổng để những MV nhảm, nhạc rác lợi dụng để tiếp cận khán giả. 

 Xin lỗi liệu có đủ?

Trước làn sóng chỉ trích, tẩy chay, rapper Chị Cả lên tiếng: “Tôi xin lỗi vì đã không chọn lọc ngôn từ cẩn thận, kỹ càng, ý tứ lời lẽ cũng không rõ ràng dẫn đến việc mục đích ban đầu là châm biếm bị hiểu sai”. Cùng với đó, Chị Cả cho biết sẽ xóa/ẩn những bản nhạc ở thời điểm đó và đánh dấu bản quyền trên TikTok để bản rap này không lan truyền rộng rãi nữa. Cùng thời điểm, nhóm Rap Nhà Làm cũng đã đến trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xin lỗi và quỳ sám hối. Trước đó, đại diện nhóm tác giả đã lên tiếng nhận trách nhiệm tại trang cá nhân, chủ động xóa video trên kênh YouTube…

Tuy nhiên, đến thời điểm này cả hai bản rap nói trên vẫn tồn tại trên một số ứng dụng nghe nhạc và rất nhiều video trôi nổi do một số người dùng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Nghệ sĩ - người làm nghệ thuật cũng là công dân, làm sai thì phải xin lỗi, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng cứ làm sai, cứ xin lỗi rồi thôi thì những hậu quả, hệ lụy từ cái sai ấy, ai sẽ chịu trách nhiệm?

 BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc