Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong âm nhạc

VHO- Sáng nay, ngày 15.10, hòa trong không khi vui tươi, phấn khởi hướng đến chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.11, kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và thiết thực Kỷ niệm 41 năm Ngày thành lập Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM đã phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 7 tổ chức Chương trình nói chuyện chuyên đề với chủ đề “Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong âm nhạc”.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong âm nhạc - Anh 1

Đông đảo người yêu âm nhạc đến tham dự buổi nói chuyện của nhạc sĩ Trần Xuân Tiến


Tại chương trình, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật TP.HCM; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, đã từ lâu, hình tượng người phụ nữ Việt Nam luôn là đề tài bất tận, khơi nguồn sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ chắp bút viết nên những giai phẩm tuyệt tác. Hầu hết những ca khúc viết về người phụ nữ Việt Nam đều có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ với thời gian và nhận được sự yêu mến đặc biệt của nhiều thế hệ khán giả. Từ những bài hát cách mạng, ngợi ca quê hương, đất nước, tinh thần hăng say lao động, sản xuất, hay trong khúc tình ca lãng mạn… hình tượng người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn tỏa sáng với những phẩm chất cao quý và vẻ đẹp duyên dáng Á Đông.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong âm nhạc - Anh 2

Với sự hóm hỉnh, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đã mang đến những câu chuyện vô cùng hấp dẫn

Với sự hóm hỉnh cùng kho tàng kiến thức âm nhạc phong phú, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đã gửi đến những người yêu âm nhạc nhiều kiến giải bổ ích. Như tại sao gọi là trống cơm? Từ thế kỷ 10, trống cơm đã xuất hiện ở Việt Nam (đời nhà Lý). Trước khi đánh trống người ta thường lấy cơm xoa vào hai mặt trống để định âm, tục gọi là cho “ấm tiếng” hài hòa do đó trống này gọi là trống cơm. Từ cách lý giải về nguồn gốc của trống cơm, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến khiến giới mộ điệu thích thú khi nghe phân tích về hát ru Bắc bộ, hò huê tình, hò giã gạo… của các bà, các mẹ thời bấy giờ.

Người tham dự càng xúc động hơn khi nghe nhạc sĩ kể về hình ảnh người vợ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vì “tam niên vô tử bất thành thê” (ba năm mà không sinh được con thì không thành vợ), bà không sinh được con trong 3 năm đầu thành hôn, đã bỏ ra rừng U Minh ở để chồng được lấy vợ khác. Thương cảm, ông Cao Văn Lầu tìm ra U Minh gặp bà và viết nên ca khúc bất hủ Dạ cổ hoài lang (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng). Hay câu chuyện về liệt sĩ Võ Thị Sáu trong bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn) cũng được nhạc sĩ Trần Xuân Tiến kể lại đầy xúc động, khiến cả hội trườn cảm phục về một anh hùng trẻ tuổi đầy kiên cường.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong âm nhạc - Anh 3

Hội trường cùng ngân nga những câu hát ru

Qua chương trình, các ca khúc đi cùng năm tháng gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu thương, chịu khó, thủy chung sắt son, ý chí kiên cường, sẵn sàng cống hiến, hy sinh tuổi xuân của mình cho quê hương, đất nước; hay hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vừa khiêm nhường, tháo vát việc gia đình, vừa tự tin, năng động làm tròn trách nhiệm đối với cộng việc và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội… đã một lần nữa cho thấy hình tượng người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền và “chảy” dài trong âm nhạc.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc