Đâu rồi... bài hát trẻ thơ?
VHO- Từ lâu, trẻ em hát nhạc người lớn đã thành chuyện “thường ngày ở huyện” trên sóng truyền hình. Mới đây, tại hai cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Đắk Lắk do Sở VHTTDL Đắk Lắk tổ chức và Tìm kiếm tài năng Đắk Lắk năm 2020 do Nhà văn hóa TTN - Đài PT-TH Đắk Lắk phối hợp thực hiện, hầu hết các thí sinh nhỏ tuổi đều đã chọn những bài hát dành cho người lớn để tranh tài.
Ở bảng A Tìm kiếm tài năng Đắk Lắk năm 2020 dành cho thí sinh dưới 14 tuổi, 2 em biểu diễn ở đêm chung kết và nhận giải Triển vọng đều hát các ca khúc về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, đó là nhạc phẩm Ly cà phê Ban Mê và Xôn xang mêng mang Cao nguyên Đắk Lắk. Trước đó, ở vòng loại, cũng có thí sinh 6 tuổi trình bày ca khúc Hồ trên núi của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Đây là những ca khúc đã làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ có giọng ca khỏe, đủ sức để thể hiện một giai điệu đẹp, chuyển tải được ý nghĩa của lời hát gắn liền với những giai đoạn lịch sử của đất nước. Không thể phủ nhận các thí sinh nhỏ tuổi đã hát lên bổng xuống trầm khá tốt, nhưng nhạc cảm thì có lẽ cần phải xem lại.
Do thiếu kiến thức và hiểu biết về ý nghĩa cũng như hoàn cảnh ra đời của bài hát, nên các em không những hát sai lời mà còn sai cả “tinh thần” của bài hát. Khi thí sinh vào chung kết thể hiện ca khúc Xôn xang mêng mang cao nguyên Đắk Lắk, giám khảo phải giải thích ý nghĩa rằng: “Nước trên ngàn về chứ không phải như em hát là nước sông tràn trề”. Có lần, chia sẻ với khán giả Tây Nguyên về thể hiện bài hát Ly cà phê Ban Mê, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết, ở câu “Khói thuốc bâng khuâng ly cà phê” nên biểu cảm nhè nhẹ một chút, tuy nhiên ở đây thí sinh lại cố gằn giọng để thể hiện chất rốc Tây Nguyên.
Thông cảm nhưng cũng thật buồn bởi phải chăng chúng ta đang thiếu vắng những bài hát thiếu nhi, khiến trẻ em phải sử dụng bài hát dành cho người lớn. Các chương trình truyền hình dành cho tài năng trẻ thì nhiều, song không hiểu sao cha mẹ, thầy cô phụ trách vẫn huấn luyện để cho các em hát những ca khúc không chỉ đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc, mà cả trải nghiệm cuộc sống.
Ai cũng biết, để có một ca khúc thành công cần rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố nghệ sĩ thể hiện là vô cùng quan trọng. Vậy em nhỏ trên dưới 10 tuổi có thể nào trải lòng với tâm tư của nhạc phẩm có tính triết lý hay không? Có hiểu được điều mình đang hát có ý nghĩa gì không?
Thực tế thì khán giả đều hiểu, với một ca khúc, người thể hiện cần nắm được nội dung, ý tứ thì mới có đủ cảm xúc để thăng hoa và đem đến phần trình diễn tốt nhất. Do đó, nếu hát mà không hiểu hết được nội dung ca khúc thì hệ lụy gì sẽ xảy ra khi trẻ em không được là chính mình?
Xin được chia sẻ thêm thông tin là ở vòng loại của chương trình Tìm kiếm tài năng Đắk Lắk năm 2020, có thí sinh bảng B 16 tuổi đã trình diễn ca khúc Đưa cơm cho mẹ đi cày của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đầy tự tin và rất truyền cảm. Nhiều khán giả cũng bày tỏ lâu lắm rồi mới thấy trong một cuộc thi thiếu niên hát nhạc… thiếu niên. Thí sinh này chia sẻ, trong kho tàng âm nhạc thiếu nhi Việt Nam có rất nhiều bài hát hay, đủ sức để khoe giọng ở quãng cao và những tông thấp, đòi hỏi âm vực rộng và đầy. Nên dẫu đã là Đoàn viên nhưng em vẫn thích hát nhạc thiếu niên. Đó là những bài hát mà ba mẹ em đã hát và đã gắn bó suốt tuổi thơ của em, những giai điệu hồn nhiên, vui tươi luôn làm em phấn chấn mỗi khi cất tiếng ca”.
Suy nghĩ của em khiến ta thấy một điều rõ ràng, nếu được hát những ca khúc trong sáng, đúng với lứa tuổi thì đó sẽ là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn trẻ suốt quá trình phát triển sau này. Thế thì tại sao các em cứ phải “hóa thân” theo dòng cảm xúc của người lớn? Việc làm quá sức này liệu có gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần cũng như sự sáng tạo của các em về sau hay không? Đáng tiếc nữa là giữa lúc nhạc dành cho các em đang thiếu trầm trọng thì người lớn lại không có định hướng đúng đắn về chọn nhạc cho trẻ. Mặc kệ và bỏ ngỏ mảng ca khúc thiếu nhi mang hơi thở đương đại của cuộc sống, các nhạc sĩ chỉ mải miết sáng tác cho ca sĩ hạng A vốn đã quá nhiều trên thị trường âm nhạc.
XUÂN HÒA