Cải lương với người trẻ qua ký ức cộng đồng
VHO- “Cải lương vẫn đang sống chứ không hấp hối, không giãy chết như nhiều người nói, nhưng để mơ mộng Cải lương có thể trở lại như thời hoàng kim thì gần như không thể”, đạo diễn phim Song lang Leon Lê đã bày tỏ như vậy tại tọa đàm Cộng đồng kể chuyện Cải lương do YUME Art tổ chức với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh vừa diễn ra mới đây. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối của tổ chức này.
“Song lang” tái hiện thời kỳ vàng son của nghệ thuật Cải lương Việt Nam, tác phẩm đã đạt 27 giải thưởng danh giá trong và ngoài nước
Trước đó, chiến dịch Cộng đồng kể chuyện Cải lương tập trung kêu gọi người trẻ chia sẻ ký ức về Cải lương theo cách riêng của mình, thông qua các phương tiện, nền tảng mạng xã hội. Cuối tuần qua, chiến dịch đã tổng kết và công bố 4 hạng mục giải thưởng, gồm: Đôi mắt người xưa (giải Tư liệu), Gió giao mùa (giải Sáng tạo), Tiếng hò sông Hậu (giải Truyền thông) và Tấm lòng của biển (giải do khán giả bình chọn).
Cải lương đang bị lấn át
Theo đạo diễn Leon, “Chúng ta phải chấp nhận một điều là thời vang bóng của Cải lương đã qua rồi và rất khó để trở lại. Chúng ta phải nhìn vào sự thật để tìm cách giải quyết. Thời thế đã thay đổi. Ở các nước, những bộ môn nghệ thuật truyền thống đều phải trải qua lúc thịnh lúc suy”. Anh thẳng thắn bày tỏ, Cải lương đi xuống do nhiều nguyên nhân. “Ở môi trường mà Leon lớn lên, nhiều người “tiêm” vào đầu Leon những suy nghĩ rằng Cải lương ủy mị, buồn, nghe Cải lương thì không khá nổi... Nhưng sau khi mình nhận ra Cải lương hết sức khoa học, văn minh và cao cấp, đó là bộ môn có sự đầu tư, suy nghĩ và phát triển từng ngày của những con người tinh tế thì mình đã say mê, và dự án phim Song lang ra đời đã mang đầy ắp hơi thở và chất liệu Cải lương”, nam đạo diễn cho hay.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm bày tỏ: “Lâm thấy chạnh lòng khi sân khấu ngày nay đã không còn là thánh đường”. “Ngôi sao” Cải lương này cũng cho rằng, so với trước đây, các nghệ sĩ rất dễ nổi tiếng nhưng đôi khi nghề chưa chín mùi để xứng đáng với sự nổi tiếng đó, có thể chính vì thế mà khán giả không còn thần tượng nghệ sĩ Cải lương như trước đây.
Theo TS Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), người sáng lập và đồng đạo diễn của dự án nghệ thuật dành cho cộng đồng YUME, từ quá trình nghiên cứu và tiếp xúc với nghệ sĩ Cải lương tiền bối, cô rút ra nhận định, có 3 yếu tố quan trọng để Cải lương phát triển và tiếp cận được với người trẻ: Đề tài, thời lượng vở diễn và diễn viên. “Tôi cho rằng Cải lương có thể rút ngắn lại khoảng 90 phút cho một vở, điều này có nghĩa là nhịp của Cải lương cần nhanh hơn để phù hợp với nhịp sống của thời đại. Cải lương nên có thêm nhiều kịch bản gần gũi với khán giả trẻ như các câu chuyện về học đường, đời sống, các vấn đề xã hội mà người trẻ quan tâm. Song song đó, Cải lương cần có thêm đội ngũ diễn viên phù hợp với độ tuổi của nhân vật, như vậy các bạn sẽ thấy tin vào nhân vật hơn và các bạn khán giả trẻ cũng được truyền cảm hứng từ các diễn viên Cải lương trẻ bởi chính sự tươi mới của họ”, TS Đào Lê Na cho hay.
Không nhất định phải yêu Cải lương, nhưng…
Trước hai quan điểm cho rằng Cải lương cần bảo tồn hay phải đổi mới hoàn toàn để có thể dễ dàng hội nhập, nam nghệ sĩ Võ Minh Lâm bày tỏ: “Người ta nói rằng Cải lương đang xuống dốc, mặc dù thật sự chưa đến mức như vậy nhưng không phải không có cơ sở, và nếu như mình không nỗ lực vực dậy thì nguy cơ này chỉ là sớm muộn. Bản thân Lâm là một nghệ sĩ, được mọi người yêu mến nhờ Cải lương, cho nên Lâm luôn tự có ý thức và trách nhiệm để bảo tồn và phát triển những cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật này. Cải lương nên bảo tồn hay thay đổi? Lâm cho rằng cần học hỏi tinh hoa mà các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã truyền lại và hoàn thiện hơn nữa. Muốn phát triển hay thay đổi thì mình cũng phải tìm hiểu thật kỹ để biết yếu tố nào nên bảo tồn, nội dung nào cần cập nhật”. Võ Minh Lâm cũng đồng tình việc nên áp dụng công nghệ vào để bảo tồn và làm mới Cải lương, để cho loại hình nghệ thuật này có sức sống dài lâu hơn và phủ sóng nhiều hơn nữa đến khán giả.
Đồng tình quan điểm này, đạo diễn Leon Lê cho rằng, cần giữ lại những gì tốt nhất của Cải lương để có ai muốn tìm tới thì còn những cái tinh túy, hay nhất để giới thiệu chứ không bị pha loãng, lai tạp các bộ môn nghệ thuật khác. Kể lại ý tưởng làm phim Song lang, đạo diễn Việt kiều Mỹ Leon Lê chia sẻ, khi làm phim này anh rất lo, nhất là việc liều lượng Cải lương trong bộ phim như thế nào là phù hợp. “Lúc đó mình định làm phim để mang ra chiếu ở nước ngoài, cho nên nếu liều lượng Cải lương trong phim nhiều như vậy sẽ là thử thách. Đặc biệt với người nước ngoài, liệu họ có xem nổi không khi họ không hiểu lời ca, tiếng đàn cũng như âm sắc của nhạc Cải lương còn quá xa lạ đối với họ… Nhưng một trong những điều bất ngờ nhất là phần đông khán giả nước ngoài thấy thích thú với liều lượng Cải lương trong phim. Họ còn hỏi Leon là muốn xem thêm về Cải lương thì lên YouTube gõ chữ gì để xem được, vào Google tìm hiểu thông tin về loại hình này như thế nào?”.
Đạo diễn phim Song lang cũng gửi gắm đến giới trẻ rằng không nhất định phải yêu Cải lương, bởi đây là món ăn tinh thần chưa chắc hợp với thị hiếu của tất cả mọi người, nhưng không được phép coi thường. “Các bạn dù có nhuộm đổi màu tóc, nghe nhạc Mỹ, đổi tên Facebook giống người Hàn, người Tây… nhưng chúng ta vẫn là người Việt Nam. Nên các bạn phải quý bản sắc dân tộc mình, đó là những giá trị duy nhất khi những cái khác đã mất đi, đó là cái có thể xác định được chúng ta là ai. Nếu mình không trân trọng chính mình thì sẽ không có ai trân trọng cả”, Leon Lê bày tỏ.
Theo TS Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp (Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM), việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc hiện tại nước nào cũng phải làm, không riêng gì Việt Nam. Bản sắc văn hóa dân tộc là cội, là gốc, gốc có sâu, có vững thì cây mới phát triển cao hơn được.
TÙNG THƯ