Y tế Quảng Ngãi gian nan “giữ chân” nhân lực
VHO- Làn sóng nhân viên y tế trong khu vực công lập nghỉ việc để chuyển sang khu vực y tế tư nhân hoặc làm công việc khác để có thời gian chăm sóc gia đình đang đặt ra bài toán khó, buộc ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt và tìm ra lời giải thích đáng.
Người dân ngồi chờ khám bệnh ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh
Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ, bác sĩ N.T ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi quyết định nghỉ việc để đầu quân cho một bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Bác sĩ T chia sẻ, công việc điều dưỡng ở Khoa cấp cứu vô cùng vất vả, căng thẳng và mệt mỏi, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. “Sau giai đoạn này thì áp lực công việc cũng không hề giảm, thậm chí chúng tôi cùng lúc phải làm thêm nhiều công việc khác không đúng sở trường, chuyên môn, khiến sức không thể kham nổi”, bác sĩ trẻ bộc bạch.
Đây chỉ là một trong số nhiều nhân viên y tế ở các bệnh viện công lập tuyến tỉnh Quảng Ngãi nghỉ việc trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân họ lựa chọn bỏ “công” sang “tư” là do khối lượng và áp lực công việc quá lớn, cơ hội phát triển nghề nghiệp hạn chế mà mức lương lại quá thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra. Trong khi đó, ở bệnh viện tư nhân, thu nhập của họ có thể cao hơn gấp 3-4 lần.
Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh hiện đang có 29 y, bác sĩ, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho khoảng 170.000 người dân toàn huyện. Năm 2021 và 2022, có 3 bác sĩ xin nghỉ công tác, chuyển qua làm việc tại các bệnh viện tư nhân, trong khi không có bác sĩ mới được tuyển dụng thêm khiến đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải. Theo bác sĩ CKII Võ Thanh Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh: “Thu nhập thấp là một trong những yếu tố khiến họ chuyển qua cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế cao hơn hoặc bệnh viện có nguồn thu lớn hơn để tương xứng với trình độ chuyên môn. Thêm vào đó, áp lực đối với các bác sĩ ở bệnh viện công lập cũng rất lớn bởi những văn bản ràng buộc như dự toán, tổng mức, quỹ của Bảo hiểm y tế”.
Áp lực công việc quá lớn nhưng thu nhập không tương xứng khiến nhiều nhân viên ngành Y đành “rẽ lối”
Tương tự, tại Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa, tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có 7 bác sĩ xin nghỉ việc, hầu hết đều là bác sĩ chuyên khoa có nhiều năm kinh nghiệm. Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn từ 2013-2018, Quảng Ngãi thu hút, tuyển dụng được 254 bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại tỉnh. Nhưng từ 2018-2023, lại có khoảng 120 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thực tế trên khiến ngành Y tế Quảng Ngãi trở nên thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt là thiếu bác sĩ để duy trì và phát triển các chuyên khoa sâu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân trong tỉnh.
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân hàng đầu khiến nhân lực ngành Y tế nghỉ việc là vấn đề thu nhập. Để giữ chân, giảm tình trạng chuyển dịch từ công sang tư, trước hết, phải nâng cao chế độ đãi ngộ cho đội ngũ y, bác sĩ. “Làm được điều này không dễ, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng của cán bộ cũng như nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ để thu hút bệnh nhân đến với các bệnh viện công, từ đó góp phần tăng thu nhập cho nhân lực ngành Y. Sở Y tế Quảng Ngãi mong muốn UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi, khuyến khích dành riêng cho cán bộ y tế, nhất là đối với bác sĩ, nhằm ngăn chặn “làn sóng” viên chức nghỉ việc…”, ông Đức nói.
Có thể nói, áp lực cơm áo gạo tiền cũng như thời gian chăm sóc gia đình đã khiến nhiều y, bác sĩ buộc lòng phải “rẽ lối”. Việc này cũng đồng nghĩa với việc người dân nghèo khó tiếp cận với bác sĩ có chuyên môn giỏi. Thay đổi cơ chế chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực đúng với công sức họ bỏ ra là việc làm cần thiết trong thời điểm này.
NHƯ ĐỒNG