Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao
VHO – Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Ngày 22.3 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức ngày mít tinh kỷ niệm ngày Thế giới Phòng chống lao với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các đơn vị, Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế.
Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại chương trình
Hằng năm, ngày 24.3 được lựa chọn là ngày Thế giới Phòng chống lao nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Năm nay, chủ đề ngày Thế giới phòng chống lao là “Yes!We can end TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao) với thông điệp tiếp tục nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của cả cộng đồng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Nếu các quốc gia tuân thủ các cam kết của mình, điều này sẽ đưa thế giới tiến đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và cứu sống cho 45 triệu người trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2027.
Trên cơ sở chủ đề của thế giới, Việt Nam lấy chủ đề cho năm 2024 là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”. Mặc dù Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu.
Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, tăng cường sàng lọc, mở rộng quy mô dự phòng bệnh lao, giới thiệu các phác đồ điều trị mới được khuyến nghị, chuyển dịch mô hình tài chính và tăng cường hợp tác đa lĩnh vực.
Các đại biểu nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, số liệu thống kê cho thấy số bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. "Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là giảm nguy cơ tử vong cho hơn 13.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói.
Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, với chủ đề lạc quan “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”, Chương trình Chống lao quốc gia muốn lan toả niềm tin, ý chí, khát vọng, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được. Qua đó kêu gọi sự tham gia hưởng ứng tích cực, sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để tập trung nguồn lực, đảm bảo nguồn tài chính bền vững để tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc.
“Việc mở rộng phối hợp y tế công – tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở y tế đa khoa và chuyên khoa ngoài hệ thống Chương trình Chống lao Quốc gia cũng là một can thiệp quan trọng cần đầu tư của chương trình. Mục tiêu kết thúc bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, của người dân”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh.
Nhiều hình thức để ủng hộ bệnh nhân lao
Năm 2023, Bệnh viện Phổi Trung ương đã biên soạn và hoàn thành cuốn tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” nhằm chuẩn hoá và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao và một số bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.
Cuốn tài liệu sau khi được Bộ Y tế phê duyệt và sử dụng rộng rãi trên toàn quốc sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế các cơ sở khám, chữa bệnh và cán bộ chống lao các tuyến trong triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế. Đồng thời, Chương trình Chống lao Quốc gia cũng đề xuất Bộ Y tế ban hành các chính sách, thông tư, hướng dẫn phù hợp nhằm huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban/ngành đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.
Tại chương chình, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – (PASTB) cũng phối hợp với Cổng 1400 tổ chức chương trình kêu gọi vận động ủng hộ bằng hình thức nhắn tin (Nội dung TB gửi 1402) trong thời gian 2 tháng (từ ngày 8.3 – 6.5). Hoạt động này đã thu hút được nhiều người dân tham gia ủng hộ; trong năm 2023 số lượng tin nhắn đạt được 47.155 tin nhắn, tương đương 943.100.000 đồng để ủng hộ, hỗ trợ người bệnh vượt qua những ảnh hưởng bệnh tật, chữa khỏi bệnh lao.
Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hàng chục nghìn người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, trong đó có người thân của mỗi chúng ta.
QUỲNH HOA