Việt Nam cần làm gì để trở thành trung tâm sản xuất vắc xin của khu vực?

VHO- Ngày 22.5 tại Hà Nội, Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu vắc xin và tham gia chương trình chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, chương trình chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA là một cơ hội quan trọng của Việt Nam. Vì thế, cần cẩn trọng xem xét các phương hướng hợp tác, tài chính, đầu tư.

Việt Nam cần làm gì để trở thành trung tâm sản xuất vắc xin của khu vực? - Anh 1

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Bộ Y tế

Tính đến thời điểm 2.2022, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có hơn 10 tỷ liều vắc xin được tiêm trên toàn cầu, vẫn còn tới 83% người dân tại châu Phi chưa được tiêm mũi vắc xin đầu tiên. Bên cạnh đó, còn 27 nước có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 chưa tới 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã tiêm xong mũi thứ ba cho người dân và mở cửa trở lại hoàn toàn nên kinh tế.

Với bài học từ Covid-19, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển và sản xuất vắc xin trong nước. Bộ Y tế đề nghị UNDP hỗ trợ về các mô hình, kinh nghiệm quốc tế trong phát triển và sản xuất vắc xin trong nước; tổ chức các hội thảo chia sẻ về chính sách vắc -xin và đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước; hỗ trợ trong xây dựng các chính sách, pháp luật và các lĩnh vực liên quan.

Tại Việt Nam có 4 đơn vị sản xuất vắc-xin: IVAC, POLYVAC, VABIOTECH, NANOGEN. Mỗi đơn vị sản xuất các loại vắc xin khác nhau và có thế mạnh riêng về công nghệ sản xuất. Mỗi đơn vị sản xuất được 4 loại vắc xin thành phẩm, nhưng chỉ có vắc xin uốn ván của IVAC đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Dù năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng để tiếp tục nâng cao hơn nữa và hướng đến mực tiêu trở thành trung tâm sản xuất vắc xin của khu vực, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất trong nước; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển vắc xin; cũng như mở rộng hợp tác quốc tế.

Tổng quan chính sách pháp luật về cấp phép lưu hành vắc xin khẩu Covid-19 tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, TS. Nguyễn Hoàng Giang cho rằng: “Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong nước trong điều kiện Việt Nam đang có đủ năng lực về cả cơ sở vật chất lẫn con người. Đối với các trường hợp khẩn cấp trong lĩnh vực y tế dự phòng cần có sự cam kết chính trị và đầu tư nguồn lực từ nhà nước nhằm tạo động lực cho các nhà sản xuất tập trung phát triển sản phẩm, sẵn sàng ứng phó khi an ninh y tế bị đe dọa.”

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và nghe trình bày về phương hướng phát triển và sản xuất vắc xin trong nước. Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Muốn phát triển vắc xin trong nước, cần phát triển mạng lưới các trung tâm thử nghiệm lâm sàng trình độ quốc tế. Tổ chức độc lập giám sát, thẩm định, phân tích dữ liệu với trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong quá trình phát triển vắc xin. Để làm được điều đó, cơ chế tài chính là vấn đề cần quan tâm; chính sách, vai trò của nhà nước trong quá trình Việt Nam trở thành nước phát triển cũng rất cần thiết.”

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng cần tiếp nhận vấn đề nâng cao năng lực; đồng thời chú trọng vào nhân lực, dây chuyền, cơ sở vật chất trong công cuộc sản xuất vắc xin dựa trên công nghệ mRNA.

THANH XUÂN

Ý kiến bạn đọc