“Vật bất ly thân” của bệnh nhân lao
VHO- Trung bình thời gian điều trị của một bệnh nhân lao được phát hiện ở giai đoạn sớm gồm 2 tháng điều trị tấn công và 4 tháng điều trị duy trì. Tuy nhiên 70% bệnh nhân lao là người nghèo, do đó, nếu không có thẻ BHYT nhiều bệnh nhân không có đủ tiền để chữa bệnh.
Y sĩ Rơ Châm Lộc giải thích cho ông La O Dắc về quyền lợi của người có thẻ BHYT
Ma Giai là thôn nằm ở cuối cùng của xã Đất Bằng, xã sâu nhất của huyện Krông Pa (Gia Lai), còn nhà ông Lê Mô Toa (dân tộc Chăm) lại ở vị trí tận cùng của thôn. Y sĩ Rơ Châm Lộc (Trạm y tế xã Đất Bằng) dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Lê Mô Toa vào một buổi sáng mới đây, trong căn nhà gỗ cũ kỹ, tuềnh toàng, ông cùng cô con gái và cháu ngoại đang quây quần bên bếp lửa.
Ông Lê Mô Toa năm nay 72 tuổi, gương mặt hốc hác, người gầy gò nói chuyện với chúng tôi lúc bằng tiếng Việt, lúc bằng tiếng dân tộc, phải nhờ y sĩ Rơ Châm Lộc “phiên dịch” lại. Ông cho biết, dạo này sức khỏe của ông đã khá hơn rất nhiều, đỡ ho và ăn uống được. Trước đó, ông bị ho liên miên, người ốm yếu, mệt mỏi, không làm được việc gì. Đến tháng 5 vừa qua, các y bác sĩ, y tế thôn mời ông ra nhà văn hóa khám bệnh miễn phí nên mới biết mình bị bệnh lao. “Trước đó, tôi ho thường xuyên, chỉ đi khám ở trạm y tế xã, bác sĩ cho thuốc về uống nhưng được vài ngày lại ho. Tôi mới đi bệnh viện huyện về và bây giờ uống thuốc của xã cấp”, ông Lê Mô Toa chia sẻ.
Cách đó không xa là nhà ông La O Dắc (dân tộc Chăm) cũng được phát hiện mắc bệnh lao cách đây mấy tháng. Trước kia, ông bị ho cả đêm, không ngủ được, ho đến tức ngực, khó thở, đi khám ở trạm y tế, được phát thuốc nhưng uống không đỡ mấy. “Hôm đó đang làm rẫy thì có cán bộ đi xe máy tới bảo về đi khám bệnh, nên tôi đi theo. Các bác sĩ đã khám, chụp, xét nghiệm và bảo tôi bị bệnh lao nên phải gửi lên bệnh viện huyện Krông Pa để chữa”, ông La O Dắc nhớ lại. Theo y sĩ Rơ Châm Lộc, ông Lê Mô Toa và La O Dắc là 2 trong 4 người mắc bệnh lao của xã được phát hiện từ chương trình khám sàng lọc lao miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến sức khỏe cộng đồng (SCDI) triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn phát hiện 5 người có nguy cơ tiềm ẩn, cần được theo dõi để phát hiện bệnh kịp thời.
Ông Lê Mô Toa vui mừng vì được chữa bệnh không tốn tiền nhờ có thẻ BHYT
Để phát hiện bệnh lao, cần có thiết bị chụp chiếu, lấy mẫu xét nghiệm, sau đó gửi mẫu tới Bệnh viện Phổi của tỉnh để thực hiện mới có kết quả, do đó năng lực y tế của xã chưa thể thực hiện được. Sau khi phát hiện, cả 4 bệnh nhân lao đều được chuyển điều trị tấn công tại bệnh viện huyện 2 tháng. Rất may, các bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt nên được trả về tuyến xã để điều trị giai đoạn duy trì trong vòng 4 tháng. “Xã Đất Bằng là xã vùng cao khó khăn của tỉnh Gia Lai, bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng sắn, kinh tế rất eo hẹp nên để điều trị bệnh kéo dài như bệnh lao nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn, không có tiền để chữa trị. Vì các hộ dân được cấp thẻ BHYT nên việc điều trị đã đỡ được gánh nặng kinh tế rất nhiều cho bà con”, y sĩ Rơ Châm Lộc nhấn mạnh.
Chẳng thế mà khi chúng tôi hỏi ông Lê Mô Toa về việc đi bệnh viện có tốn tiền không, ông nở nụ cười: “Không tốn đồng tiền nào hết”. Còn ông La O Dắc lại lấy từ túi áo cái ví cũ, trong đó có thẻ BHYT để lẫn với căn cước công dân, thẻ cựu chiến binh mà ông luôn giữ bên mình. Giơ thẻ BHYT lên, ông La O Dắc bảo, cuộc sống của ông đang phụ thuộc vào tấm thẻ này. Mặc dù có biểu hiện ho đã lâu, thậm chí ho ra máu nhưng anh Kpă Chức (dân tộc Gia Rai) ở thôn Tân Túc, xã IaMlah (huyện Krông Pa), là địa bàn vừa được đưa ra khỏi vùng khó khăn, do đó anh không được nhà nước cấp miễn phí thẻ BHYT, anh không dám đi khám bệnh vì sợ tốn tiền. Khi được vận động tham gia khám bệnh miễn phí theo chương trình sàng lọc, tầm soát bệnh lao ngoài cộng đồng của SCDI, anh Kpă Chức đi ngay. Và thật không ngờ, anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh lao.
Khi biết tin mắc bệnh, anh Kpă Chức rất lo lắng vì kinh tế còn eo hẹp. Nhưng khi được cán bộ y tế giải thích mua thẻ BHYT thì anh không phải thanh toán chi phí nào, do đó anh tự nguyện mua thẻ BHYT hộ gia đình để yên tâm chữa bệnh lâu dài. “Tôi uống thuốc nay đỡ rồi, đi còn mệt, nếu ngồi im như vậy thì không sao, có thể làm được việc nhẹ vì chưa khỏe hẳn, tôi vẫn còn ho nhưng không ho ra máu nữa…”, anh Kpă Chức chia sẻ.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ. Việt Nam cũng không nằm ngoài trong số đó. Kết quả thống kê 6 tháng đầu năm 2022, chương trình chống lao đã phát hiện được hơn 48.000 bệnh nhân lao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Từ tháng 1.2022 đến tháng 12.2023, SCDI hỗ trợ 3 huyện của tỉnh Gia Lai (Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông ) sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng. Trước thực trạng nhiều bệnh nhân lao không có thẻ BHYT, SCDI đã hỗ trợ miễn phí đối với những bệnh nhân nghèo để họ yên tâm điều trị, nâng cao ý thức trong nhận biết và phòng chống bệnh lao; ngăn ngừa sớm nguồn lây trong cộng đồng.
QUỲNH HOA