Tự ý điều trị viêm kết mạc có thể dẫn đến đục thuỷ tinh thể ở người trẻ

VHO- Bệnh đục thuỷ tinh thể là bệnh lý thường gặp nhất ở người cao tuổi, tuy nhiên căn bệnh này đang có xu thế trẻ hoá bởi những thói quen như tự ý sử dụng các thuốc điều trị viêm kết mạc, ngứa mắt...

Nguyên nhân gây đục thuỷ tinh thể có thể do bẩm sinh, lão hóa (trên 50 tuổi bắt đầu có hiện tượng đục thuỷ thể tinh). Tuy nhiên, hiện nay, số người bệnh ở độ tuổi trẻ ngày càng tăng, và một trong những nguyên nhân là tự ý mua thuốc để điều trị bệnh viêm kết mạc, ngứa mắt mà không biết trong thành phần có chứa corticoid. Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, người làm nghề hàn xì… cũng là các nguyên nhân thúc đẩy quá trình đục thuỷ tinh thể sớm hơn.

Tự ý điều trị viêm kết mạc có thể dẫn đến đục thuỷ tinh thể ở người trẻ - Anh 1

Đông đảo người dân và các nhà chuyên môn tham dự hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo khoa học "Cập nhật các kỹ thuật triển khai tại Bệnh viện Mắt quốc tế DND”, Ths.Bs. Đặng Thị Như Quỳnh, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, có một thực tế đáng lo ngại hiện nay là xu hướng đục thủy tinh thể ở người trẻ đang được ghi nhận rất nhiều. “Nhiều bệnh nhân, nhất là ở những vùng nông thôn người dân không đi khám vì chỉ ngứa nhè nhẹ liền tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid trong thời gian dài. Việc làm này khiến bệnh nhân bị đục thuỷ tinh thể. Khi khám bác sĩ khai thác mới biết bệnh nhân đã dùng thuốc nhỏ mắt kéo dài cả năm. Những trường hợp này với ánh sáng trong phòng thì không thấy mờ nhiều, nhưng ra ngoài trời nắng rất mờ, rất loá, không chiụ nổi thì mới đi khám”, bác sĩ Quỳnh cho hay.

 

Cũng theo bác sĩ Như Quỳnh, một số trường hợp do phải dùng thuốc điều trị một số bệnh khác như: Thuốc hạ mỡ máu (simvastatin), thuốc chống loạn nhịp tim (amilodarone), thuốc trầm cảm (phenothiazin), thuốc chữa gút, hạ cholesterol, thuốc kháng sinh… làm tăng nguy cơ đục thể thuỷ tinh. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ bị đục thuỷ tinh thể, người bệnh cần phải hết sức thận trọng, tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy thị lực bị giảm sút, cần đi khám mắt và nhanh chóng thông báo cho thầy thuốc để có hướng xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, đối với những người trẻ mắc đục thuỷ tinh thể cũng không nên lo lắng quá vì hiệu quả mổ thay thuỷ tinh thể tốt hơn đối với người già. Người già đôi khi có thoái hóa võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, tổn thương khác thị lực sẽ cải thiện nhưng không thể bằng người trẻ.

 

Về bệnh đục thuỷ tinh thể, BS. Như Quỳnh thông tin: Đục thủy tinh thể ở người xuất hiện ở người trên 60 tuổi (từ 65 tuổi có chiếm 70%), từ 70 tuổi chiếm 80%. Ở khoảng cách 5m, người nhà giơ ngón tay lên mà không nhìn rõ thì thị lực dưới 1/10, đây là một trong các dấu hiệu cảnh báo người bệnh cần đi khám. “Triệu chứng người đục thuỷ tinh thể thường gặp phải là nhìn mờ, có cảm giác nhìn 2 hình, chói sáng. Biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân đi ra ngoài nắng, đi vào ban đêm có đèn pha đối diện chiếu vào thì sẽ thấy màng sương trước mắt, người bệnh luôn có cảm giác giống có màng mây trước mắt. Với người cao tuổi thị lực giảm cũng là dấu hiệu chỉ điểm của đục thuỷ tinh thể. Hiện chưa có thuốc ngăn chặn đục thuỷ tinh mà chỉ làm giảm sự tiến triển của bệnh. Với những bệnh nhân chưa đến mức cần phải thay thuỷ tinh thể thì sẽ có hai phương pháp điều trị: theo dõi và dùng thuốc. Tuy nhiên biện pháp triệt để nhất phẫu thuật đúng thời điểm”, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt quốc tế DND nói.

 

Thời gian qua số trường hợp phẫu thuật đục thủy tinh thể tăng lên rõ rệt, đặc biệt nhiều bệnh để muộn, khi đó thủy tinh thể quá chín, nhân cứng… khiến cuộc mổ phức tạp hơn rất nhiều. Đục thủy tinh thể chia làm 5 mức độ, thì độ 3-4 là thời điểm mổ tốt nhất. Nếu để muộn sau một năm, nhân cứng thời gian mổ kéo dài hơn, hiệu quả cải thiện thị lực không cao.

 

Q.HOA

 

Ý kiến bạn đọc