Triển khai “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” năm 2023 cho đồng bào dân tộc

VHO- Với chủ đề “Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé” Tuần lễ “Làm mẹ an toàn”năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-7.10 trên địa bàn 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

“Tuần lễ Làm mẹ an toàn” trong khuôn khổ Dự án 7 – Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu là tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em góp phần thực hiện đạt được các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Triển khai “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” năm 2023 cho đồng bào dân tộc - Anh 1

Cô đỡ thôn bản góp phần giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về Làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về Làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; Ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.

Bộ Y tế khuyến khích các địa phương tổ chức lễ phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn, ưu tiên tổ chức trên địa bàn cấp cơ sở. Bên cạnh các phương thức truyền thông truyền thống, các địa phương cần tăng cường truyền thông chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, videoclip, audioclip.

Đặc biệt, tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm chăm sóc tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản làm nòng cốt; lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; lồng ghép các nội dung về Làm mẹ an toàn vào các sinh hoạt cộng đồng (Tổ dân cư, các câu lạc bộ, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ...). Đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tăng cường hơn các dịch vụ liên quan đến Làm mẹ an toàn, tập trung vào 3 gói dịch vụ chăm sóc trước sinh,  hỗ trợ chăm sóc trong sinh, hỗ trợ chăm sóc sau sinh.

Trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn tại các cơ sở cần tập trung giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về lợi ích của, việc tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như khám thai định kỳ, quản lý thai nghén và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến... để tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này... Cử cán bộ có chuyên môn phù hợp hỗ trợ tại chỗ cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Tổ chức hoạt động truyền thông tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ về Làm mẹ an toàn tại cộng đồng tại các xã khu vực III.

Các hoạt động cần vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc...) ủng hộ và  tham gia các hoạt động của Tuần lễ Làm mẹ an toàn, như đưa nội dung Làm mẹ an toàn vào các sinh hoạt cộng đồng, dòng họ; tham dự và phát biểu tại các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt cộng đồng...về làm mẹ an toàn...

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc