TP.HCM cấp tốc ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch

VHO- Dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua, tuy nhiên biến thể phụ BA.4 và BA.5 đã xuất hiện trên địa bàn, cùng với việc ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.

TP.HCM cấp tốc ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch - Anh 1

 Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các điểm có nguy cơ trên địa bàn TP.HCM

Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết cũng đang có sự gia tăng tại các tỉnh phía Nam và có nguy cơ bùng phát mạnh, gây nhiều mối lo ngại lên hệ thống y tế hiện nay.

Nguy cơ cao

Sở Y tế TP.HCM cho biết, hệ thống giám sát dịch của thành phố cho thấy trong ba tuần gần đây, số ca mắc mới Covid-19 có xu hướng tăng nhẹ, có ngày lên hơn 50 ca mắc. Trước đây, số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày. Đáng ngại hơn, Viện Pasteur TP.HCM đã công bố phát hiện hai mẫu dương tính với biến thể phụ BA.4 (tại TP Thủ Đức) và một mẫu dương với biến thể BA.5 (tại huyện Củ Chi). Tất cả các mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM.

Bên cạnh đó, dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và tại TP.HCM với type huyết thanh D1 như năm 2021, nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh D2 tương ứng với số ca mắc mới tăng cao, số ca nặng và tử vong cũng tăng. Số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc tại các tỉnh phía Nam đã lên hơn 65.550 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019 (năm có dịch lớn). Riêng tại TP.HCM, số ca mắc đã trên 21.990 ca, tăng 184% so với cùng kỳ, số tử vong đã vượt hơn 10 trường hợp. Đáng nói là có cả người lớn, phụ nữ mang thai và trẻ em. Những quận, huyện có số ca bệnh tăng báo động so với trung bình 4 tuần trước gồm các quận 4, 7 và huyện Cần Giờ.

Nhận định về diễn tiến dịch sốt xuất huyết năm nay, Sở Y tế TP.HCM dự báo từ nay đến cuối năm, nhất là những tháng cao điểm của mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng. Theo đó là số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng nếu không quyết liệt thực hiện những biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết ngay từ bây giờ.

Riêng về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, tính đến nay, TP.HCM đã ghi nhận trên 9.000 trường hợp mắc bệnh. Trong đó, có 4 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh, số ổ dịch tích lũy đến nay đã lên con số 65 ổ dịch.

TP.HCM cấp tốc ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch - Anh 2

 Kéo dài đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ nay đến hết tháng 7

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin

Để ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục kéo dài đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ nay đến hết tháng 7. Sở Y tế yêu cầu, ngoài điểm tiêm cộng đồng hiện có tại các địa phương (Trung tâm y tế, Trạm y tế); các bệnh viện đa khoa thành phố, chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện tuyến quận, huyện tiếp tục làm điểm tiêm cố định để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Lịch tiêm thực hiện tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.

Các đơn vị phải thông báo lịch tiêm chủng bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân được biết. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đơn vị tạm ngưng tiêm trong khi vắc xin tại thành phố vẫn đảm bảo cung ứng. Các bệnh viện chuyên khoa công lập được khuyến cáo đăng ký làm điểm tiêm cố định để thực hiện tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn. Các cơ sở y tế sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng kịch bản diễn tiến của dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết.

Riêng về dịch sốt xuất huyết, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng bệnh chính vẫn là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua việc diệt muỗi, diệt lăng quăng. Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã cập nhật và bổ sung ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân có thể phản ánh đến ngành y tế các địa chỉ cụ thể có nhiều muỗi, nhiều ổ lăng quăng trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết để kịp thời xử lý.

Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các điểm có nguy cơ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu các đơn vị phải chủ động, có biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, nhất là trong bối cảnh ca nhiễm biến thể BA.4 và BA.5 đã xâm nhập. Tuyên truyền, vận động mọi người dân cùng tham gia thực hiện các biện pháp phòng bệnh “Không lăng quăng, không muỗi, không sốt xuất huyết”. Có như vậy thì mới có đủ sức để phòng dịch, ông Đức nhấn mạnh. 

 HOÀNG QUÂN

Ý kiến bạn đọc