Tổ chức nhiều đoàn giám sát chiến dịch cho trẻ uống vitamin A trên toàn quốc

VHO- Đến nay, các địa phương đã đảm bảo đủ cơ số vitamin A cấp cho trẻ em trong chiến dịch và sẵn sàng chuẩn bị cho chiến dịch diễn ra từ ngày 1.12. Viện Dinh dưỡng sẽ tổ chức 3 đoàn giám sát chiến dịch cho trẻ uống vitamin A trong ngày đầu tiên tại 3 tỉnh Bắc Kạn, Bắc Giang và Thanh Hóa.

Ngoài ra, Viện Pasteur Nha Trang cũng sẽ tổ chức giám sát tại Ninh Thuận và Quảng Nam; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức giám sát tại Gia Lai, Kon Tum và ĐắK Nông. Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức giám sát tại Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre. Các tỉnh,thành phố cũng tổ chức các đoàn giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật tại các điểm uống trên địa bàn.

Tổ chức nhiều đoàn giám sát chiến dịch cho trẻ uống vitamin A trên toàn quốc - Anh 1

Đoàn giám sát công tác tổ chức uống vitamin A đợt 1 năm 2023 tại tỉnh Hoà Bình. Ảnh: THUỲ DUNG

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững: tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và tỉ lệ này chỉ còn 11,6% năm 2020.

Ngoài ra, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; bên cạnh đó, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng cao… Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng (tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì), kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm; nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả …) và thiếu hoạt động thể lực.

Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao (tỷ lệ này là 19,6% theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, cụ thể tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; phụ nữ có thai là 25,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm.

Tổ chức nhiều đoàn giám sát chiến dịch cho trẻ uống vitamin A trên toàn quốc - Anh 2

Bỏ sung vitamin A đủ liều cho trẻ để trẻ phát triển toàn diện

Tại buổi thông tin về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng diễn ra ngày 28.11 tại Viện Dinh dưỡng (Hà Nội), TS Vũ Văn Tán, Trưởng Khoa Giám sát và chăm sóc dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng) thông tin, thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn và phát triển không toàn diện; làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong; giảm khả năng nhìn (quáng gà), thậm chí gây viêm loét giác mạc dẫn đến mù loà. Đối tượng dễ bị thiếu vitamin A nhất là trẻ dưới 5 tuổi và các đối tượng nguy cơ.

Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em năm 2023 đã Viện Dinh dưỡng cấp cho 63 tỉnh, thành phố, đảm bảo đủ số lượng trong độ tuổi với 12,5 triệu liều. Đợt 1 được tổ chức vào ngày 1.6, kết quả trung bình hơn 99% trẻ được uống vitamin A. Đợt 2 của chiến dịch sẽ được tổ chức vào ngày 1.12 tới đây.

“Việc bổ sung vitamin A là rất cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Hằng năm, thông qua hai đợt chiến dịch bổ sung  vitamin A cho trẻ em trong độ tuổi trên toàn quốc, tỷ lệ trẻ em được uống vitamin A thường xuyên được duy trì trên 98% - tương đương với hơn 6 triệu trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi. Hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc”, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng chia sẻ.

Nhấn mạnh thêm về vai trò của vi chất dinh dưỡng, TS Trần Khánh Vân, Trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng cho biết, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở trẻ em Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện ở trẻ em. Việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng theo vòng đời từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ lứa tuổi học đường, trẻ vị thành niên, người trưởng thành và người cao tuổi là đặc biệt quan trọng trong phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.

Do vậy, cần nâng cao nhận thức về vai trò dinh dưỡng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân; các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác dinh dưỡng.

            Q.HOA

Ý kiến bạn đọc