Thừa Thiên Huế​​​​​​​: Vì sao bệnh viện trăm tỉ bị “rớt hạng”?

VHO- Từ bệnh viện hạng 3 tuyến tỉnh, nhưng sau gần 10 năm hoạt động, Bệnh viện đa khoa Chân Mây có kinh phí đầu tư hơn 100 tỉ đồng, đã bị “rớt hạng” bởi hoạt động không hiệu quả. Nhân lực y tế thiếu và yếu, nhiều Khoa, phòng không có bệnh nhân nên cơ sở vật chất xuống cấp, nhếch nhác…

Thừa Thiên Huế​​​​​​​: Vì sao bệnh viện trăm tỉ bị “rớt hạng”? - Anh 1

Hai máy chạy thận phải “nằm kho” do Bệnh viện đa khoa Chân Mây không đủ năng lực vận hành

 Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định thành lập Bệnh viện đa khoa Chân Mây (đóng tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc), với mục đích phục vụ khám chữa bệnh cho người dân các địa phương khu vực phía Nam của tỉnh. Với việc triển khai xây dựng bệnh viện, nhiều người dân địa phương lúc đó đã rất vui mừng, nhanh chóng giao đất giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Kế, người dân sinh sống lâu năm ở xã Lộc Thủy cho biết, người dân địa phương đã chờ mong có một bệnh viện tốt để phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con, nhưng rồi thực tế lại không như mong muốn. Đội ngũ bác sĩ thiếu và yếu nên người dân ở các xã xung quanh đã chọn phương án đến Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc hoặc lên tận Thành phố Huế để điều trị. Bản thân tôi mỗi lần đau ốm cũng chịu khó tốn kém, đi xa hơn chút để khám bệnh cho yên tâm.

Bệnh viện đa khoa Chân Mây được vận hành chính thức vào tháng 3.2013, là bệnh viện hạng 3 tuyến tỉnh, thuộc Sở Y tế. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, gần 10 năm hoạt động, bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, lượng bệnh nhân đến khám quá ít so với quy mô đầu tư, gây lãng phí nhiều cơ sở vật chất và thiết bị máy móc. Năm 2021, Bệnh viện đa khoa Chân Mây bị “rớt hạng”, trở thành cơ sở 2 thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc. Khi kiểm tra, rà soát để bàn giao, sáp nhập, ngành y tế phát hiện có nhiều trang thiết bị hiện đại đã đầu tư mua sắm từ nhiều năm trước vẫn chưa từng được vận hành, phục vụ người dân, trong đó đáng chú ý có 2 máy chạy thận nhân tạo, trị giá hơn 1,2 tỉ đồng/máy.

Thừa Thiên Huế​​​​​​​: Vì sao bệnh viện trăm tỉ bị “rớt hạng”? - Anh 2

Khu vực hành lang Bệnh viện đa khoa Chân Mây, những bức tường dọc lối đi bị rêu xanh phủ kín

Cũng bởi số lượt khám chữa bệnh quá ít, nhiều Khoa, phòng gần như đóng cửa, cơ sở vật chất và hạ tầng xuống cấp, hư hại. Một số khu vực trong khuôn viên bệnh viện gần như bỏ hoang, cỏ lau mọc um tùm, nhếch nhác. Nếu không nhanh chóng xử lý, có giải pháp để vận hành tốt thì dễ gây lãng phí về đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Ông Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc cho biết, Bệnh viện đa khoa Chân Mây chỉ có 9 bác sĩ tham gia khám chữa bệnh, khi có quyết định sáp nhập, Trung tâm Y tế huyện điều động thêm 2 bác sĩ về đây hỗ trợ công tác khám chữa bệnh. Để đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế trong tương lai, Trung tâm cũng đang cử cán bộ đi đào tạo ở tuyến trên. Những trang thiết bị chưa được sử dụng, chúng tôi đã bảo dưỡng, cất giữ cẩn thận ở phòng kho, có nhiệt độ phù hợp để tránh hư hỏng. Riêng 2 máy chạy thận, dù được đầu tư nhưng Bệnh viên đa khoa Chân Mây và giờ thuộc Trung tâm Y tế huyện đều không đủ năng lực, điều kiện để vận hành, sử dụng nên chỉ bảo quản trong kho. “Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút triển khai sửa chữa các khu vực bị hư hỏng, xuống cấp, sơn lại các khu nhà bị bong tróc, rêu mốc, chỉnh trang lại khuôn viên, cơ sở hạ tầng của bệnh viện để có hướng vận hành phù hợp sau khi sáp nhập”, ông Lê Viết Cường cho biết.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, ngân sách tỉnh có dự chi hơn 8 tỉ đồng cho công tác sửa chữa, chỉnh trang lại Bệnh viện đa khoa Chân Mây. Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc chuyển dần các hoạt động chuyên môn của cơ sở 1 về bệnh viện này, đồng thời cơ cấu lại đội ngũ chuyên môn, định hướng triển khai nâng tầm một số lĩnh vực để phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. 

Bệnh viện đa khoa Chân Mây chỉ có 9 bác sĩ tham gia khám chữa bệnh, khi có quyết định sáp nhập, Trung tâm Y tế huyện điều động thêm 2 bác sĩ về đây hỗ trợ công tác khám chữa bệnh. Để đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế trong tương lai, Trung tâm cũng đang cử cán bộ đi đào tạo ở tuyến trên. Những trang thiết bị chưa được sử dụng, chúng tôi đã bảo dưỡng, cất giữ cẩn thận ở phòng kho, có nhiệt độ phù hợp để tránh hư hỏng. Riêng 2 máy chạy thận, dù được đầu tư nhưng Bệnh viên đa khoa Chân Mây và giờ thuộc Trung tâm Y tế huyện đều không đủ năng lực, điều kiện để vận hành, sử dụng nên chỉ bảo quản trong kho.

(Ông LÊ VIẾT CƯỜNG, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc)

 

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc