Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh, bệnh nhân nội trú gia tăng

VHO – Năm 2021 bắt đầu thực hiện chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT ở tuyến tỉnh, sau một năm thực hiện, tỉ trọng người bệnh nội trú tại tuyến tỉnh có xu hướng tăng cách biệt hơn so với tuyến huyện.

Ngày 28.4, tại phiên họp cung cấp thông tin về chính sách BHXH, BHYT, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, trong quý I/2022, tỉ trọng người bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương là 5,1%; tuyến tỉnh là 52,6%; tuyến huyện là 42,3%.

Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh, bệnh nhân nội trú gia tăng - Anh 1

Ông Lê Văn Phúc chia sẻ về tình hình gia tăng bệnh nhân nội trú KCB trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh

“So sánh tỉ lệ nội trú giữa các tuyến cho thấy, trong năm 2021 ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh có xu hướng bệnh nhân nội trú tăng rõ rệt hơn các tuyến khác, đặc biệt ở khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và khu vực đồng Bằng Sông Cửu Long. Nguyên nhân có thể do người bệnh đã được cung cấp thông tin nhiều hơn về quyền lợi khi đi KCB thông tuyến tỉnh; ngoài ra, thói quen đi KCB đã dần trở lại khi dịch bệnh đã dần ổn định và người dân đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19”, ông Lê Văn Phúc lý giải.

Thống kê tại 494 cơ sở KCB tuyến tỉnh cho thấy, năm 2020, có 27% số cơ sở KCB có tỉ lệ bệnh nhân nội trú từ 80  - 100% nhưng tỉ lệ này năm 2021 là 37% và đến tháng 4.2022 chiếm 40%. Ở các cơ sở KCB có tỉ lệ bệnh nhân nội trú khác cũng có xu hướng tăng. Đặc biệt một số cơ sở KCB có tỉ lệ bệnh nhân nội trú cao như Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Phòng, Bệnh viện Y, dược cổ truyền tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng Quảng Ninh, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên… có tỉ lệ bệnh nhân điều trị nội trú từ 95%- 100%.

Theo ông Lê Văn Phúc, với sự thuận lợi từ chính sách “thông tuyến tỉnh” tỉ lệ số người KCB nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh của năm 2021 trên toàn quốc đã tăng hơn 73% so với năm 2020, trong khi số lượt bệnh nhân nội trú trái tuyến tại tuyến Trung ương giảm 25%.  So sánh tỉ trọng lượt nội trú trái tuyến trong tổng lượt nội trú của hai năm 2021-2020 cho thấy sự gia tăng số lượt đi KCB trái tuyến tại tuyến tỉnh tăng cao ở tất cả các vùng (trừ khu vực Đông Nam Bộ có xu hướng giảm nhẹ), trong đó khu vực trung du và miền núi phía Bắc tăng hơn 300; khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng trên dưới 100%.

Tỉ lệ lượt bệnh nhân nội trú trái tuyến/ tổng lượt bệnh nhân nội trú của toàn quốc năm 2020 là 14,3%%, năm 2021 là 30,5.  Một số cơ sở KCB tuyến tỉnh gia tăng lượt KCB trái tuyến như Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên tăng từ 52,6% năm 2020 lên 98% so với năm 2021; Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Phòng có tỉ lệ tương ứng là 50,7% và 95,3; Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Nghệ An: 14,1% và 92,9%; Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An: 3% và 89,8%…

Các bệnh nội trú được điều trị tại cơ sở KCB trái tuyến thường gặp là mổ lấy thai, đục thuỷ tinh thể ở người già, đau vùng cổ gáy, bệnh khớ, sỏi tiết niệu, bệnh lý tăng huyết áp, thoái hoá cột sống… Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, trong các bệnh này, có bệnh có thể điều trị được ở tuyến dưới, có bệnh nhạy cảm với điều trị ngoại trú, có thể phòng ngừa nhập viện được.

Với chính sách thông tuyến BHYT tuyến tỉnh giúp bệnh nhân dễ tiếp cận dịch vụ y tế, được KCB tại cơ sở y tế tuyến trên theo nhu cầu, được hưởng quyền lợi BHYT như đi KCB đúng tuyến; giảm thời gian làm thủ tục chuyển tuyến… Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn bất cập là người dân vào viện khi chưa thực sự cần thiết, tăng chi từ tiền túi do chi phí bình quân tại cơ sở y tế tuyến trên cao, chi phí đồng chi trả nội trú nhiều hơn; nguy cơ quá tải cơ sở KCB tuyến tỉnh… Mặt khác sẽ ảnh hưởng đến chính sách quản lý KCB của Nhà nước và nguồn lực KCB BHYT vì chỉ số thống kê y tế không phản ánh đúng nhu cầu KCB, mô hình bệnh tật của Việt Nam (như: tỉ lệ bệnh nhân nội trú…); gia tăng chi phí từ quỹ BHYT.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc