Thông tuyến KCB BHYT tuyến tỉnh: Người dân hưởng lợi, bệnh viện “gồng mình”

VHO- Theo quy định tại Khoản 6, Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1.1.2021, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được Quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến.

Thông tuyến KCB BHYT tuyến tỉnh: Người dân hưởng lợi, bệnh viện “gồng mình” - Anh 1

 Các cơ sở y tế tuyến tỉnh cần đảm bảo cơ sở vật chất, các biện pháp nhằm tránh quá tải bệnh viện Ảnh: V.THUÝ

Số liệu của BHXH Việt Nam cho biết, đến giữa tháng 12.2020 đã có hơn 159 triệu lượt KCB BHYT, với số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán trên 97.158 tỉ đồng. Trong đó có nhiều bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả với số tiền khá lớn. Cụ thể, có 81.342 bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả từ 100 - 500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú; 705 bệnh nhân KCB BHYT nội trú với chi phí trên 500 triệu - 1 tỉ đồng/đợt điều trị nội trú. Đặc biệt, có 80 bệnh nhân KCB BHYT nội trú với chi phí KCB trên 1 tỉ đồng/đợt điều trị nội trú.

Như bệnh nhân tại tỉnh Kiên Gi­ang được chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với 2 đợt điều trị, tổng số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 9,43 tỉ đồng. Cũng với căn bệnh này, bệnh nhân tại Bến Tre cũng có 2 đợt điều trị, số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 5,68 tỉ đồng; bệnh nhân tại Vĩnh Long có số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 7,2 tỉ đồng. Bắt đầu từ ngày 1.1.2021, các cơ sở y tế tuyến tỉnh sẽ thực hiện việc thông tuyến KCB BHYT, khi đó người tham gia BHYT đi KCB không đúng tuyến, không có giấy chuyển tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được Quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến.

Để tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-BYT, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế cần sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở KCB khi thực hiện KCB BHYT thông tuyến tỉnh. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về KCB BHYT. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ KCB, xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện…

Đồng thời, chỉ đạo sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị, nhân lực hiện có của cơ sở KCB; tổ chức đặt lịch hẹn khám đối với người đến KCB bằng các hình thức: Qua điện thoại, qua trang tin điện tử của bệnh viện hoặc các phần mềm kết nối với bệnh viện để bảo đảm phục vụ chất lượng, hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi, tránh quá tải. Tăng cường vai trò và hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong việc xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, giám sát các hoạt động chuyên môn, kiểm soát các chỉ định nhập viện nội trú… Ngoài ra, lãnh đạo các Sở Y tế và Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các BVĐK, BV chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý; chỉ đạo các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong KCB, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT và giảm thiểu tình trạng người bệnh tự đi KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Chủ động xây dựng kế hoạch, kiểm tra việc tổ chức bàn khám bệnh, thực hiện tiếp đón người bệnh, thực hiện cải tiến quy trình KCB theo hướng dẫn tại Quyết định số 1313/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của BV; cách thức phối hợp giữa khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng trong tiếp nhận người bệnh điều trị nội trú, đảm bảo đúng yêu cầu chuyên môn, chất lượng và an toàn cho người bệnh. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng giường bệnh nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ KCB của cơ sở. Trường hợp tăng số giường bệnh thực kê nhiều hơn so với số giường kế hoạch được phê duyệt để giảm tình trạng nằm ghép, bệnh viện phải bổ sung số lượng nhân lực kịp thời tương ứng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc triển khai ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định.

Cũng theo Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý KCB khẩn trương ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh phổ biến, có tần suất mắc và nhập viện nội trú cao trong các cơ sở KCB, trong đó có hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn nhập viện nội trú tương ứng với mỗi loại bệnh lý; phối hợp với Cục CNTT xây dựng Hướng dẫn tổ chức đặt lịch hẹn khám đối với người đến KCB tại các cơ sở KCB. 

 Bảo hiểm Xã hội TP.HCM có văn bản hướng dẫn

Thực hiện chính sách mới, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn trong giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Theo đó từ ngày 1.1.2021, chính sách BHYT sẽ thực hiện thông tuyến tỉnh nội trú trên toàn quốc, nghĩa là bệnh nhân ở các tỉnh có BHYT tự nguyện không cần có giấy chuyển tuyến khi khám và điều trị nội trú tại TP.HCM vẫn được BHYT chi trả 100%. Do đó BHXH TP.HCM đã đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai và quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, chỉ định điều trị nội trú phù hợp với bệnh lý của người có thẻ BHYT, phù hợp với phạm vi chuyên môn, số giường nội trú đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng đối với những trường hợp khám chữa bệnh BHYT ngoại trú tại TP.HCM mới cần phải có giấy chuyển tuyến. Đây là những trường hợp mắc các bệnh mãn tính có giấy chuyển tuyến được cấp từ sau ngày 15.12.2020 và được sử dụng hết năm 2021 dương lịch. Trường hợp những bệnh nhân có giấy chuyển tuyến có giá trị đến hết ngày 31.12.2020 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được quyền sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị. Đối với những bệnh nhân điều trị ngoại trú nhưng có bệnh án như: Ung thư, chạy thận nhân tạo, bệnh nhân cần phải bổ sung giấy chuyển tuyến năm 2021 trước ngày 10.1.2021. N.HIẾU

 N.KHANG

Ý kiến bạn đọc