Tăng số ca phát hiện mới, liệu có đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS?
VHO- Mười tháng đầu năm cả nước phát hiện mới 9.000 ca nhiễm HIV, như vậy trung bình gần 1.000 ca/tháng. Trong khi đó mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS chỉ với 1.000 ca phát hiện mới/năm, cho thấy cần phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành.
Một bệnh nhân đến cơ sở y tế khám, lấy thuốc
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), số ca nhiễm HIV phát hiện mới trong 10 tháng đầu năm là 9.025 ca, số ca tử vong là 1.378 ca; số ca hiện mắc được quản lý là 220.580 ca. Trong số những ca mắc mới trong năm 2022, chiếm tỉ lệ nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (36%); tiếp đó là TP.HCM (28%); còn lại ở các khu vực khác chiếm từ 2 - 9% (Hà Nội chiếm 3%).
Số người nhiễm HIV mới tăng nhanh ở nhóm MSM
Bà Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong nhóm mới phát hiện thì tỉ lệ nam mắc cao hơn nữ rất nhiều, nguyên nhân lây truyền chủ yếu qua đường tình dục không an toàn và tăng mạnh qua các năm gần đây. Con đường lây truyền qua máu, từ mẹ sang con, không rõ nguyên nhân đã giảm mạnh từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng đường tình dục không an toàn tăng lên như hình phễu.
“Đáng nói, lứa tuổi nhiễm cũng có xu hướng khác biệt và ngày càng trẻ hóa. Nếu những năm 2012, số người nhiễm HIV chủ yếu ở lứa tuổi 30-49 và đang giảm dần tới năm 2022; nhưng lứa tuổi 15-29 lại tăng đột biến ở mức 3% lên tới 49%. Mặc dù về tổng thế số ca mắc mới HIV tiếp tục giảm trong cộng đồng, nhưng lại diễn biến phức tạp, tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (SMS, thanh thiếu niên) và còn xa so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030”, bà Cao Thoa cho hay. Để đạt được mục tiêu, Bộ Y tế đang nỗ lực các hoạt động tuyên truyền và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở một số địa điểm trọng tâm. Trong đó là mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV ở hơn 1.300 cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng ở 33 tỉnh, thành phố, tự xét nghiệm HIV, sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm HIV; tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS trong trại giam, trại tạm giam (triển khai tại 66 cơ sở, điều trị 3.525 bệnh nhân bằng thuốc ARV)…
Cùng với đó là điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone với hơn 51.000 bệnh nhân thường xuyên và 2.857 bệnh nhân được cấp phát mang về (tại 6 tỉnh, thành phố). Cũng theo Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) đang có dấu hiệu tích cực, tốc độ người sử dụng tăng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Hiện có hơn 31.000 người đang sử dụng PrEP, tỉ lệ duy trì điều trị cao (72%)…
Huy động y tế tư nhân, tình nguyện viên trong phòng, chống
Một buổi chiều cuối tuần, chúng tôi tới Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tại khu vực điều trị HIV/AIDS, nhiều thanh niên đến đây để lấy thuốc ARV, uống Methadone, hoặc lấy thuốc PrEP trong vội vã. Trong số đó có N.M.T (23 tuổi) cho biết, mình tự test HIV phát hiện dương tính vào tháng 12.2021. Ngập ngừng hồi lâu T mới kể là có quan hệ đồng giới, sau biết bạn tình và một số người bạn khác bị HIV, lo lắng cậu mới tự test.
Mắc bệnh “xã hội” khi mới 22 tuổi, cậu cảm thấy rất sốc và lo lắng trong một thời gian dài. Được bạn động viên, giới thiệu nên T đã mạnh dạn đến Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm để test khẳng định. Tại đây, các y bác sĩ đã tư vấn T rất ân cần, thân thiện nên cậu đã bớt mặc cảm, tư ti. “Do tải lượng virus thấp, được phát hiện sớm nên các bác sĩ tư vấn điều trị thuốc ARV, nếu tuân thủ uống thuốc, có thể sống được 50 - 60 năm, nên em dần xốc lại tinh thần. Em mua bảo hiểm y tế tự nguyện 800.000 đồng/năm, mỗi lần đến đây lấy thuốc, làm các xét nghiệm chỉ hết 50.000 đồng. Bây giờ em đã thoải mái hơn, uống thuốc vào thấy khoẻ hơn”, T nói.
Theo bà Cao Kim Thoa, nhóm MSM hiện khá phức tạp, một thanh niên thường có đến 3-5 bạn tình và quan hệ tình dục, ít sử dụng các biện pháp an toàn nên dẫn tới lây nhiễm HIV cao. Việc tiếp cận nhóm này để họ sử dụng PrEP dự phòng không lây nhiễm cũng rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận. Hiện nay, phần lớn phải dựa vào các nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM. Nhóm CBO có lợi thế là sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư, tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì thế, các nhóm CBO là “cánh tay nối dài” của cơ quan y tế để tiếp cận, kết nối khách hàng đến tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị thuốc ARV cũng như điều trị đồng nhiễm khác.
Bên cạnh các nhóm CBO thì vai trò của các phòng khám tư nhân cũng rất quan trọng. Bởi nhiều thanh niên MSM là người có công việc, trí thức, có vị trí trong xã hội, hoặc bệnh nhân HIV không muốn tiết lộ danh tính. Do vậy họ không cần dùng thẻ BHYT hoặc thuốc PrEF miễn phí mà tự chi trả cho các loại thuốc này. Như Phòng khám đa khoa Biển Việt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) hiện đang cũng đang cung cấp nhiều dịch vụ cho người bệnh HIV và nhóm MSM, TG (người chuyển giới)… Đại diện phòng khám cho biết, từ năm 2019 -2022, phòng khám có hơn 1.200 người sử dụng thuốc dự phòng phơi nhiễm PrEP, trong đó nhóm MSM chiếm tỉ lệ cao nhất tới 62%. Đặc biệt, có tới 17% TG sử dụng PrEP, có tỉ lệ cao nhất so với các phòng khám tư nhân khác. Điều này là nhờ vai trò mạnh mẽ của các nhóm TG tại các phòng khám.
QUỲNH HOA