Sơ cứu đúng cách sẽ cứu giữ được sinh mạng cho người bệnh
VHO – Rất nhiều người gặp tai nạn ngoài cộng đồng như gẫy chân tay, ngừng tim… nếu được sơ cứu đúng cách sẽ cứu giữ được sinh mạng cho bệnh nhân. Nhưng cũng không ít nạn nhân gặp hậu quả nặng nề hơn nếu sơ cứu sai cách.
Hậu quả của sơ cứu không đúng cách
Ngày 5.4, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình Truyền thông giáo dục sức khoẻ “Hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi cho cộng đồng", nhằm hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi với mong muốn nâng cao tỉ lệ người dân trong cộng đồng tiếp cận và thực hiện kỹ năng này.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ kiến thức về sơ cứu ngoài cộng đồng
Những ngày qua, hình ảnh một điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai tiến hành hồi sinh tim phổi, cứu sống một du khách người Ấn Độ bị ngừng tuần hoàn tại quán ăn ở Đà Nẵng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng mạng xã hội. Ngoài lời khen, cảm ơn, nhiều người cho rằng việc cấp cứu ban đầu để hồi sinh tim phổi là vô cùng cần thiết. Đây là một trong những kỹ năng sống quan trọng với cộng đồng, cấp cứu ban đầu đúng kỹ thuật và tiến hành càng sớm càng tốt để cứu sống bệnh nhân.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng lượt 300 bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó 30% - 40% do bị tai nạn. Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị sơ cứu sai cách, dẫn đến những tổn thương đáng tiếc cho người bị nạn. Đặc biệt trong các vụ tai nạn có những bệnh nhân bị chấn thương đốt sống cổ nhưng không được cố định đúng cách, khiến cho những tổn thương cứa vào tủy sống, gây hậu quả nặng nề.
Sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường. Mọi người đều có thể tham gia, sử dụng phương tiện có sẵn tại chỗ khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tá để giảm thiểu các trường hợp tử vong. Bác sĩ Ngô Đức Hùng nhấn mạnh: “Thời gian di chuyển từ địa điểm gặp nạn đến bệnh viện là thời gian vàng để tiến hành sơ cứu cho người bị thương, nếu làm đúng cách sẽ giữ cho người gặp nạn được ổn định. Chính vì vậy, những kỹ năng và sự hiểu biết về sơ cứu hết sức cần thiết”.
Tại chương trình, bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ rất nhiều trường hợp sơ cấp cứu không đúng cách, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia sơ cấp cứu. Trong một ví dụ điển hình được nêu ra là ba người tử vong sau khi cứu một người rơi xuống giếng ở Bình Phước hay vụ 8 nạn nhân bị ngạt khí tử vong trong lò vôi ở Thanh Hoá. Những vụ việc trên đều xuất phát từ nguyên nhân thiếu hiểu biết, chưa hiểu rõ nguyên lý an toàn khi tham gia sơ cấp cứu, dẫn đến đẩy mình là nạn nhân tiếp theo. Bác sĩ Hùng đặc biệt nhấn mạnh: “Khi tham gia sơ cứu trong mọi tình huống, chú ý đến tính an toàn, đúng đắn và pháp lý. Sau cùng mới là vấn đề đạo đức”.
Những lưu ý hồi sinh tim phổi cơ bản
Theo bác sĩ Hùng, khi nạn nhân có các dấu hiệu sau thì cần phải tiến hành ép tim, thổi ngạt: Nạn nhân nằm bất động, người tím tái, có dấu hiệu ngừng thở và mất ý thức; Không nghe được tiếng tim của nạn nhân cùng với động mạch cảnh hay động mạch cánh tay nạn nhân không đập.
Các bác sĩ nội trú Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các kỹ năng sơ cứu
Tuy nhiên, việc sơ cứu sai cách không chỉ khiến việc sơ cứu không hiệu quả mà còn có nguy cơ khiến nạn nhân gặp rủi ro. Có trường hợp ép tim gãy xương sườn do người sơ cứu đã dồn sức vào sai vị trí sai. Chính vì vậy khi hồi sinh tim phổi cũng cần phải đúng kỹ thuật.
Trước khi tiến hành việc sơ cấp cứu cũng cần gọi cấp cứu 115, hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có 1 mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.
Bác sĩ Hùng cũng lưu ý thêm, đầu tiên đặt bệnh nhân trên mặt phẳng cứng, để họ nằm ngửa. Vị trí tiếp xúc ngang vai, khi sơ cấp cứu cần chú ý kiểm soát đường thở của người bệnh. Cụ thể là cần tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, hay đờm dãi… hay không. Nếu có, cần làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.
Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Tần số sẽ là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là 1/2 dưới xương ức hoặc giữa điểm nối hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Chuỗi hoạt động sơ cấp cứu được làm cho đến khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc nhịp mạch đều trở lại.
THƠM NGUYỄN – THẢO LAM