Số bệnh nhân F0 ở Hà Nội tăng vọt sau Tết
VHO- Ngày đầu tiên đi làm sau khi nghỉ Tết Nguyên đán (7.2), số bệnh nhân F0 tại Hà Nội tăng gần 200 ca lên mức 2.988 ca, trong khi 7 ngày trước đó (từ ngày 1 - 6.2), số bệnh nhân chỉ ở mức 2.728 - 2.797 ca.
Xét nghiệm cho bệnh nhân F0 đã xét nghiệm tại nhà
Đến 11h30 ngày 8.2, tại trạm y tế phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn còn hơn 10 người chờ đợi để xét nghiệm test Covid-19. Qua tìm hiểu, hầu hết người đến trạm y tế xét nghiệm đều là bệnh nhân F0 đã test nhanh tại nhà hoặc F0 đã qua 7 ngày được hẹn để xét nghiệm lại.
Anh Hoàng Văn Thái (114 phố Quan Nhân) cho biết, từ sớm đã đến trạm y tế, nhưng thấy đông quá nên về, gần cuối buổi anh mới ra để xét nghiệm. “Tôi đã test nhanh và có kết quả dương tính ở nhà, sau khi khai báo trạm y tế phường, tôi được hẹn ra xét nghiệm lại để lấy thuốc”, anh Thái nói. Theo anh Thái chia sẻ, anh đang ở với người chị họ, gia đình người chị đã có 3 người kết quả dương tính từ mấy hôm trước. Đến hôm qua anh thấy rát họng và hơi sốt nên test nhanh có kết quả dương tính. Gia đình anh hầu như không đi đâu, chỉ cuối năm có tổ chức ăn uống Tất niên.
Chờ lấy thuốc, anh Nguyễn Bá Luân cho hay, ngày đầu tiên đi làm được công ty xét nghiệm PCR có kết quả dương tính nên mang tới trạm y tế và được phát thuốc ngay. Hiện nay anh không có triệu chứng gì, trong gia đình mọi người test nhanh đều có kết quả âm tính. Từ ngày mùng 3 Tết, gia đình anh từ quê lên và ăn uống trong gia đình người bạn, nhưng đến nay chưa có ai là F0, do đó anh cũng không biết nguồn lây nhiễm bệnh từ đâu. Theo số liệu của Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân, tổng ca bệnh ghi nhận từ 31.1 đến 6.2 trên địa bàn là 794 ca; trung bình trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán ghi nhận 113 ca/ngày. Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong ngày 7.2, số bệnh nhân mắc mới Covid-19 trên địa bàn TP là 2.988 ca bệnh, phân bố tại 425 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã; tăng 191 ca so với ngày hôm trước.
Cuối buổi sáng ngày 8.2, rất nhiều người dân chờ đợi xét nghiệm tại trạm y tế phường Nhân Chính
Hiện nay có 158 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 173 bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y, 2.254 bệnh nhân tại Bệnh viện Xanh Pôn; hơn 500 bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở thu dung của TP, quận huyện và hơn 48.000 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại nhà. Nói về tình trạng số bệnh nhân F0 gia tăng, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác sau Tết đều ghi nhận số ca mắc tăng nhanh. Đây cũng là quy luật trong điều kiện “bình thường mới”. Vấn đề quan tâm không còn là số lượng ca mắc là bao nhiêu mà cần nắm rõ số ca diễn biến tăng nặng để kịp thời chuyển tuyến cũng như điều trị hiệu quả.
Thực tế cho thấy, nhờ có vắc xin nên tỷ lệ lây nhiễm và mức độ bệnh nặng trong cộng đồng đã giảm. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân từ chối tiêm vắc xin, sau đó mắc Covid-19 nhưng cũng không báo mà tự điều trị, dẫn đến tử vong. Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, Hà Nội chưa ghi nhận hiện tượng này. Hiện nay, tỷ lệ người từ chối tiêm tại Hà Nội rất thấp, chưa tới 1%, cùng với đó tỷ lệ người chống chỉ định không được tiêm cũng hơn 1%. Như vậy về cơ bản đã gần 100% người dân đã được tiêm đủ 2 mũi, và một số người đã hoàn thành tiêm mũi bổ sung hoặc nhắc lại. Nói về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, cần phải rà soát xem có bao nhiêu người trong đối tượng tiêm chủng. Quan điểm của Chính phủ là tiêm cho trẻ nhỏ không giống như người lớn, mà cần có sự đồng thuận của các bậc cha mẹ.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, TP Hà Nội đã đóng cửa nhiều cơ sở tôn giáo, không tổ chức lễ hội nhằm hạn chế sự quá tải, tụ tập đông người đã ngăn chặn sự lây nhiễm; song việc gặp gỡ, đi lại, du Xuân và làn sóng người dân từ Hà Nội về quê, từ quê trở lại Hà Nội dự báo số ca mắc sẽ còn có thể tiếp tục tăng. Ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, dù cuộc sống trở lại bình thường mới, người dân cũng không nên chủ quan, tiếp tục tuân thủ 5K, nâng cao tinh thần, ý thức phòng chống dịch, vì nhiều trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng. Ai đến độ tuổi tiêm chủng cần tiêm chủng đầy đủ, và khi mắc bệnh cần báo cáo cơ quan y tế để được theo dõi và chuyển tuyến kịp thời nếu bệnh diễn biến nặng.
QUỲNH HOA