Sang năm, người bệnh tham gia BHYT có phải bỏ tiền mua thuốc?
VHO- Vừa qua, tình trạng thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc khiến người bệnh có thẻ BHYT không được nhận đầy đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật, phải chi tiền để mua thuốc BHYT. Điều này có thể chấm dứt khi Bộ Y tế vừa hoàn thiện thông tư hướng dẫn việc thanh toán cho người bệnh phải mua thuốc ở bên ngoài.
Người bệnh có thẻ BHYT mua thuốc ở nhà thuốc được trúng thầu sẽ được Quỹ BHYT thanh toán nếu bệnh viện thiếu thuốc Ảnh: ĐỨC CHUNG
Tình trạng người bệnh có thẻ BHYT phải bỏ tiền túi để mua thuốc trong danh mục thuốc BHYT đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng mới chỉ là hiện tượng ở một vài loại thuốc và cũng không quá nhiều tiền nên không ít người bệnh “tặc lưỡi” bỏ qua.
Người bệnh thiệt đơn thiệt kép
Tuy nhiên, tình trạng này đã trở nên phổ biến thành “thường quy” khi năm vừa qua các bệnh viện, các địa phương không đấu thầu được các loại thuốc, các loại vật tư y tế. Và số tiền mà người bệnh phải bỏ ra không còn là vài chục, vài trăm nghìn mà đã tiền triệu, chục triệu. Hàng nghìn, hàng triệu bệnh nhân đi khám, chữa bệnh trên cả nước gặp phải cảnh mua thuốc bên ngoài, và số tiền sẽ lên con số khủng, gây thiệt hại lớn cho người bệnh.
Ông V.H.C (Ninh Bình) được chuyển tuyến lên Bệnh viện Mắt Trung ương để mổ, nhưng cũng như nhiều bệnh nhân khác, ông được giới thiệu đến bệnh viện tư nhân để thực hiện bởi Bệnh viện Mắt Trung ương thiếu vật tư. Đáng lẽ ông được hưởng hầu hết chi phí vì Quỹ BHYT sẽ thanh toán, nhưng khi chuyển sang bệnh viện tư số tiền Quỹ thanh toán chỉ một phần nhỏ so với giá dịch vụ. Vì thế ông phải bù tiền túi khá nhiều. Một ca thay đục thuỷ tinh thể, nếu BHYT chi trả, chỉ mất khoảng 5 triệu đồng, còn nếu mổ ở bệnh viện tư, giá thành đội lên gấp 8-10 lần. Đây chỉ là những bệnh thông thường nên chi phí không cao, nếu bệnh hiểm nghèo, chi phí sẽ rất lớn. Một người mẹ có con bị ung thư máu phải điều trị hóa chất, đến lần truyền thứ 5 bệnh viện hết thuốc, buộc phải kê thuốc ngoài danh mục BHYT. Mỗi lần truyền, chi phí từ 7-10 triệu đồng, thậm chí có loại hóa chất đắt đỏ hơn, nhưng người bệnh buộc phải mua.
Theo Luật BHYT, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đầy đủ thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, khi được hỏi, các bác sĩ chỉ biết giải thích bệnh viện không có thuốc, còn lãnh đạo bệnh viện lại đổ cho “cơ chế” nên không đấu thầu được thuốc. Đặt vấn đề với cơ quan BHXH thì được trả lời, Luật đã quy định, cơ sở y tế phải thanh toán tiền thuốc cho người bệnh nếu kê đơn cho họ ra ngoài mua loại thuốc. Nhưng thanh toán như thế nào, các cơ sở y tế, bệnh viện lại chưa được hướng dẫn. Trong khi đó người bệnh vẫn phải chịu thiệt đơn thiệt kép, vừa bỏ tiền để mua thẻ BHYT để được chi trả khi đi khám chữa bệnh, vừa phải bỏ cả tiền để mua thuốc, mua vật tư y tế...
Mua thuốc ở đâu được Quỹ BHYT thanh toán?
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT. Dự thảo Thông tư đang được họp bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để sớm đưa vào triển khai.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, theo dự thảo Thông tư, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh có đủ một số điều kiện như: Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra, khi người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài, dự thảo quy định theo hướng là phải tìm mua ở những nhà thuốc đã trúng thầu tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào đó.
Giải thích cụ thể hơn về chi tiết này, bà Vũ Nữ Anh, Vụ BHYT cho biết, trong dự thảo thông tư không quy định người dân phải mua thuốc trực tiếp tại nhà thuốc của bệnh viện mà mình đăng ký khám, chữa bệnh mà có thể mua tại bất kỳ nhà thuốc bệnh viện và đơn vị trúng thầu thuốc, vật tư y tế nào. Như vậy, có hai nơi để người bệnh có thể mua thuốc để được Quỹ BHYT thanh toán là nhà thuốc tại bệnh viện nơi người bệnh khám, hoặc nhà thuốc được trúng thầu (tại bệnh viện khác, hoặc bên ngoài được trúng thầu). “Phạm vi như vậy là rất rộng so với hiện nay khi người dân chỉ được nhận thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà họ đăng ký khám BHYT “, bà Nữ Anh nói. Đại diện Vụ BHYT cũng khẳng định, điều kiện áp dụng phải là những trường hợp có lý do khách quan cơ sở khám, chữa bệnh chưa mua được thuốc để cung ứng cho người bệnh, nếu nguyên nhân thiếu thuốc do chủ quan bệnh viện thì không được thanh toán.
Theo dự thảo thông tư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm hướng dẫn người dân đến nhà thuốc của bệnh viện khác và đơn vị nhà thuốc trúng thầu để mua thuốc, vật tư y tế. Để không tạo gánh nặng cho bác sĩ, trong hệ thống cơ sở y tế sẽ chia sẻ thông tin, bác sĩ biết nơi nào còn thuốc để hướng dẫn người dân. Dự kiến thông tư này sẽ ban hành trong năm 2024. Thời gian để người bệnh mua thuốc ngoài được thanh toán với BHYT tối đa 40 ngày, việc thực hiện thanh toán, người bệnh hoặc thân nhân người bệnh xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế đã được bác sĩ chỉ định cùng hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế. Chi phí mà cơ quan BHYT thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí được ghi trên hóa đơn hợp pháp của người bệnh mà nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng cung cấp và theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Nhiều người đặt câu hỏi, với trường hợp đã mua thuốc bên ngoài trước khi Thông tư có hiệu lực thì có được thanh toán, đại diện Vụ BHYT cho biết, tuy dự thảo chưa quy định cụ thể trong thời điểm nào mua thuốc sẽ được thanh toán, nhưng sau ngày thông tư có hiệu lực, nếu người bệnh có đầy đủ hồ sơ thủ tục, cơ quan BHXH sẽ thanh toán.
QUỲNH HOA