“Sân chơi” khoa học của tuổi trẻ ngành Y
VHO- 180 công trình khoa học sẽ được lựa chọn để báo cáo tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng Y dược Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hội nghị có sự tham gia của các bệnh viện, viện nghiên cứu nên thực tế đã có nhiều công trình, kỹ thuật được ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Nhiều đề tài, sáng kiến, kỹ thuật mới của tuổi trẻ ngành Y được ứng dụng hiệu quả trong công tác chăm sóc bệnh nhân
Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX năm 2021 diễn ra từ ngày 25 - 27.11 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức theo cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hội nghị do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì và được các trường đại học, cao đẳng ngành Y dược đăng cai tổ chức 2 năm/lần nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5), nhưng năm nay do dịch bệnh kéo dài nên đã phải lùi lại đến tận bây giờ.
Với chủ trương mở rộng phạm vi và quy mô, Hội nghị lần này sẽ có sự tham gia của các học viện, trường đại học, cao đẳng y, dược toàn quốc; Bệnh viện từ cấp tỉnh, tương đương tỉnh trở lên, bệnh viện tư nhân từ hạng 2 trở lên; Viện nghiên cứu và phát triển, Viện Y học dự phòng, Viện kiểm nghiệm, Viện kiểm định… thu hút hàng trăm đại biểu và 180 công trình khoa học được lựa chọn báo cáo, 15 Hội đồng giám khảo với 100 giải thưởng chính thức.
GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, 19 lần Hội nghị trước chỉ có sinh viên các trường tham gia, nhưng lần này sẽ có báo cáo, công trình của các nhà khoa học trẻ. Điểm nổi bật là lần này đã thu hút hơn 315 báo cáo, nhiều hơn gấp đôi so với những lần trước (khoảng 150 báo cáo), trong đó có nhiều báo cáo khoa học bằng tiếng Anh và báo cáo video kỹ thuật. “Hội nghị năm nay là cuộc chơi lớn của các nhà khoa học, bác sĩ, nhà nghiên cứu trẻ. Về chất lượng các báo cáo, ngành y không như nhiều ngành khác, rất khó để tạo ra những đột phá và để áp dụng vào thực tiễn thì còn phải trải qua nhiều quá trình, thời gian. Tuy nhiên, các báo cáo khoa học có thể chưa ứng dụng ngay được vào thực tế nhưng lại là tiền đề cho những nghiên cứu rất hữu ích trong nhiều năm tới”, GS Trần Bình Giang nói.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, có những nghiên cứu trước đây chưa được đánh giá cao, nhưng khi đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến thì lại trở nên hữu dụng. Chẳng hạn như việc mở nội khí quản của bệnh nhân F0, nếu y bác sĩ phải ghé sát vào bệnh nhân để thực hiện thì rất nguy hiểm, vì thế tại TP.HCM, giới y khoa đã sáng tạo ra cách đưa một thiết bị vào trong và dùng một dây truyền (có giá khoảng 100.000 đồng) để kết nối với điện thoại di động, và từ đó việc mở nội khí quản của bệnh nhân được dễ dàng, không gây nguy hiểm mà giá thành lại rẻ…
GS Lê Ngọc Thành, nguyên Giám đốc Bệnh viện E, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Trường cùng với hệ thống các trường của ĐH Quốc gia thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học đề tài cấp Bộ, do đó một trong những ý nghĩa của sân chơi này là các nhà khoa học trẻ, các y bác sĩ trong tương lai sẽ được làm quen, tiếp cận với các công trình khoa học, tham gia vào phong trào nghiên cứu khoa học của ngành y nói riêng và của cả nước nói chung. Bên cạnh đó còn một số hoạt động được tổ chức tại Hội nghị như Lễ báo công dâng hương tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tọa đàm Tuổi trẻ ngành Y trong phong trào phòng, chống dịch bệnh Covid-19...
Hướng tới Hội nghị, đoàn thanh niên đã tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa bên lề, trong đó có hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân, hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn khắp ba miền Bắc, Trung, Nam; tham gia chi viện tại các điểm nóng của tâm dịch…
THẢO LAM