Quy trách nhiệm việc tiếp cận hộ gia đình có F0 trong vòng 24h

VHO- UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 4028/ QĐ-UBND quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trong công tác chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn thành phố. Quy định này nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo chặt chẽ, chủ động và có hiệu quả trong quản lý F0 tại nhà và cộng đồng.

Quy trách nhiệm việc tiếp cận hộ gia đình có F0 trong vòng 24h - Anh 1

 Điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng

Theo đó, UBND TP nhấn mạnh đến trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà bao gồm trạm y tế xã và trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng. Cụ thể, trạm y tế xã phải sẵn sàng tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn; phối hợp lập hồ sơ điều trị tại nhà cho các trường hợp F0 được chăm sóc tại nhà do trạm y tế xã và các trạm y tế lưu động đảm trách. Chịu trách nhiệm phân bổ số lượng F0 đến các trạm y tế lưu động, thường xuyên liên lạc với tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng để hỗ trợ và đảm bảo hoạt động chăm sóc F0 theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, các trạm y tế chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật danh sách, số điện thoại liên lạc của các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai...) để có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc phù hợp (tiêm vét vắc xin tại nhà đối với người không thể đến điểm tiêm được, cách ly tập trung người F0 thuộc các hộ gia đình này...). Công bố số điện thoại của trạm y tế xã và số điện thoại của các trạm y tế lưu động trên cùng địa bàn để người dân biết và gọi khi cần hỗ trợ. Ngoài ra, mỗi trạm y tế lưu động phải có một bác sĩ, 1-2 điều dưỡng do Sở Y tế TP điều động và ít nhất 3 nhân sự (không phải y tế) do địa phương điều động. Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50-100 hộ có F0.

Trong vòng 24h sau khi nhận được danh sách F0 từ trạm y tế xã, trạm y tế lưu động phải tiếp cận hộ gia đình có F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm quản lý, tùy theo diễn tiến của bệnh có thể cấp phát thuốc bổ sung theo điều trị của phác đồ. Khi F0 có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người mắc Covid-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh; đồng thời liên hệ tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất… Đồng thời, UBND TP.HCM cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), UBND cấp xã, huyện, trung tâm y tế cấp huyện, Sở TT&TT, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các bệnh viện... trong chăm sóc và quản lý F0 tại nhà.

Trong đó, ngoài các giải pháp chuyên môn cấp vĩ mô, hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị y tế… Sở Y tế phải xác định ngưỡng năng lực chăm sóc và điều trị F0 tại nhà, kịp thời báo cáo và tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố triển khai các giải pháp phù hợp khi số F0 dự báo sắp vượt ngưỡng. 

 Hà Nội công bố hai phường, xã cấp độ dịch cao vì có nhiều ca cộng đồng

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố vừa công bố đánh giá cấp độ dịch đến hết ngày 26.11. Theo đó, 2 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm và xã Xuy Xá, huyện MỹĐức. Theo bản đánh giá cấp độ dịch ở Hà Nội mới nhất, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng), như cách đây 1 tuần. 19 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp tương ứng với màu xanh) (tăng 15 quận, huyện so với công bố vào ngày 19.11). 11 quận, huyện ở cấp độ 2 (giảm 15 quận, huyện) gồm: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Quốc Oai.

Về cấp xã, phường có 535 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1 (tăng 58 xã, phường); 42 xã, phường ở cấp độ 2 (giảm 57 xã, phường) và 2 xã, phường ở cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam) (giảm 1 xã) và không có địa bàn nào cấp độ 4. Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.292 ca mắc, trong đó có 1.124 ca cộng đồng, tương ứng với tỷ lệ 20 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần. Cũng trong khoảng thời gian này, trên địa bàn thành phố có 2 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, đó là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (có 115 ca); xã Xuy Xá, huyện MỹĐức (có 20 ca). Theo đánh giá cấp độ dịch, 2 xã/phường này ở cấp độ 3. Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin trên địa bàn thành phố là 93,9% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin là 81,2% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

Từ ngày 11.10 đến ngày 26.11, Hà Nội đã ghi nhận 5.181 ca mắc Covid-19, trong đó số ca cộng đồng tăng nhanh với 1.834 ca mắc (chiếm tỷ lệ hơn 35%), đồng thời số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng lên. Dịch bệnh đã xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố. P.V

 Thêm một Chủ tịch xã ở Đắk Lắk bị đình chỉ công tác vì thiếu trách nhiệm phòng chống dịch

Thị ủy Buôn Hồ (Đắk Lắk) vừa ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Mlô Y Hoa, Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ do thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, ông Mlô Y Hoa bị đình chỉ công tác 15 ngày và có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc tại xã Ea Drông cho ông Trần Hậu Hương, Phó Bí thư Đảng ủy xã phụ trách. Trước đó, tại xã Ea Drông đã xuất hiện ổ dịch liên quan đến hoạt động tập trung đông người nhưng thiếu sự nhắc nhở, kiểm soát của chính quyền địa phương. Qua truy vết, khoanh vùng dịch tễ của cơ quan chức năng đã ghi nhận 46 ca mắc Covid-19 tại ổ dịch này.

Hiện nay, ngành y tế và chính quyền địa phương đang khoanh vùng, phong tỏa các thôn, buôn để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng. Trước đó, ngày 10.11, UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Tân Lợi vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

NGỌC HÒA

 

 T.HƯƠNG - B.HẠNH

Ý kiến bạn đọc