Quảng Nam: Thêm 2 người bị ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua

VHO- Lại thêm 2 người dân ở 2 địa phương vùng cao tỉnh Quảng Nam có triệu chứng nôn mửa, chóng mặt và phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn cá ủ chua.

Quảng Nam: Thêm 2 người bị ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua - Anh 1

Các bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn. Ảnh:CTV

Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện đơn vị đang điều trị cho hai bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua.
Được biết, trưa ngày 28.3, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thanh Đ. (13 tuổi, trú xã Phước Chánh) và chị Y Ng. (40 tuổi, trú xã Phước Xuân, cùng ở huyện Phước Sơn) cấp cứu trong tình trạng bị nôn mửa, chóng mặt sau khi ăn cá ủ chua. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của hai bệnh nhân cơ bản đã ổn định. Hai bệnh nhân đều được xác định bị ngộ độc dạ dày, hiện chưa có biểu hiện liên quan đến độc tố Botulinum. 
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, chiều ngày 29.3, đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang phối hợp với Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm , Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiến hành truy vết và lấy mẫu cá muối ủ chua trên địa bàn huyện vùng cao Phước Sơn - địa phương trước đó có 10 người ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua nhằm điều tra, giám sát, xử lý nguồn độc.
Như Văn Hóa đưa tin, từ ngày 7-16.3, trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam liên tiếp  xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cá chép muối ủ chua làm 1 người tử vong, 9 người diễn biến nặng phải nhập viện cấp cứu.
Vụ thứ nhất xảy ra vào sáng ngày 7.3, có 11 người tham gia bữa cơm sau lễ cúng đâm trâu do gia đình bà Hồ Thị N. (55 tuổi, trú xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) tổ chức. Sau bữa cơm, chiều cùng ngày, có 4 người được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, tê tay chân, khó thở, mắt mờ…Sau đó, các bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để tiếp tục điều trị. Cả 4 bệnh nhân này đều ăn món cá chép ủ chua trong bữa tiệc. Đến ngày 13.3, một trong số 4 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm này tử vong.
Tiếp đó, vào trưa ngày 16.3, có 5 người cùng ăn cơm trưa tại nhà anh H.V.Đ. (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn). Đến chiều ngày 17.3, những người này bị ngộ độc và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn với triệu chứng đau đầu, đau họng, người mệt, buồn nôn…
Ngoài ra, trong thời gian này, bệnh viện ghi nhận thêm 1 trường hợp trú tại thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn tuy không ăn cùng bữa cơm với các trường hợp trên nhưng có dùng món cá chép ủ chua do gia đình tự làm. 
Hiện tại, sau khi truyền thuốc giải độc Botulinum do Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ, sức khỏe của 3 bệnh nhân ngộ độc nặng nhất đã cải thiện tích cực và đã cai được máy thở. Sức khỏe của các bệnh nhân còn lại đều tiến triển tốt.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.
Qua hội chẩn và chỉ định làm các xét nghiệm khẳng định các bệnh nhân này đều ngộ độc thực phẩm do ăn cá chép ủ chua, dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.
Được biết, cá ủ chua là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương,  do gia đình tự chế biến từ các nguyên liệu cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt, sau đó ủ trong hủ kín khoảng một tuần rồi đem ra ăn. 
Cùng với việc truy tìm nguyên nhân, ngành Y tế Quảng Nam đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền thông tin cho người dân về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

Độc tố Clostridium botulinum là một vi khuẩn gram dương có hình que, kỵ khí, sinh bào tử, di chuyển được có khả năng sản xuất các chất độc thần kinh botulinum. Vi khuẩn có từ tự nhiên hoặc tổng hợp, với liều lượng gây chết người là 1,3-2,1 nano g/kg ở người. Đáng lưu ý, vi khuẩn có thể sống trong các thực phẩm như đồ hộp đã mở, thịt, sữa, cá hun khói… nhiều tuần ở điều kiện bảo quản lạnh.
Độc tố botulinum có độc lực rất mạnh, người nhiễm độc tố này có thể xuất hiện hội chứng viêm dạ dày - ruột cấp tính (đau bụng, sốt) hoặc hội chứng nhiễm độc thần kinh với biểu hiện như liệt mềm, diễn biến nhanh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và có thể tử vong.

    THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc