Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên tình nguyện viên tiêm vắcxin giai đoạn 2
VHO- Thử nghiệm vắcxin Nano Covax giai đoạn 2 được tổ chức đồng loạt tại Học viện Quân y và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trên nhiều tình nguyện viên và tiêm giả dược để đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccine đã diễn ra vào ngày 26.2.
Tới dự buổi tiêm thử nghiệm có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trung tướng- GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cùng nhiều đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Học viện Quân y...
Phát biểu tại buổi tiêm thử nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả đã đạt được của đội ngũ phát triển và thử nghiệm vắcxin ngừa Covid-19 của Việt Nam. Trên kết quả đã đạt được, các cơ quan, đơn vị phải nỗ lực tối đa để quá trình phát triển vắcxin ngừa Covid-19 hoàn thành sớm nhất có thể. Tuy nhiên, quy trình phát triển vắcxin cần tuân thủ đủ các bước và đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người tham gia thử nghiệm. “Tất cả mọi người dân Việt Nam đều đang trông đợi vào kết quả nghiên cứu vắcxin ngừa Covid-19 mới do đội ngũ nhà khoa học, bác sĩ Việt Nam tự thực hiện và làm chủ công nghệ”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên người tình nguyện tiêm vắcxin giai đoạn 2 ngày 26.2
Báo cáo với Phó Thủ tướng - GS.TS Đỗ Quyết cho biết, 2 ngày gần đây có 200 người, bao gồm cả người cao tuổi và bệnh lý nền tham gia đăng ký thử nghiệm. Trong ngày 26.2, có 35 người đủ tiêu chuẩn để tiêm và tiêm cả 3 liều (25mcg, 50mcg, 75mcg). Cùng với đó, sẽ có thêm các tình nguyện viên được tiêm giả dược để đối chiếu việc tạo kháng thể với các trường hợp tiêm vắc xin thử nghiệm. “Lần thử nghiệm này sẽ có sự tham gia của người có bệnh lý nền, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gan… Cần phải chứng minh tính an toàn của vắc xin với người cao tuổi”, Trung tướng Đỗ Quyết cho biết.
Giám đốc Học viện Quân y cũng cho biết, dự kiến tháng 5 tới sẽ có báo cáo sơ kết đánh giá giữa chu kỳ ở giai đoạn 2 để tìm ra liều tối ưu nhất. Khi đó, sang giai đoạn 3 chỉ tiêm duy nhất mức liều đó. Nếu mọi thứ diễn ra tốt thì tới tháng 5.2021 sẽ chuẩn bị sang giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3 số lượng người tham gia thử nghiệm khoảng 10.000-15.000 người. “Theo đánh giá sơ bộ, kháng thể sinh ra có thể chống lại virus biến chủng tại Anh và Nam Phi. Tuy nhiên, ở giai đoạn 3 sẽ đánh giá sâu hơn về vấn đề này”, Trung tướng Đỗ Quyết nhấn mạnh.
Những tình nguyện viên tiêm vắcxin Nano Covax giai đoạn 2 tại Học Viện quận y
Khác với thử nghiệm giai đoạn 1, tình nguyện viên phải ở theo dõi 48 tiếng thì sang giai đoạn 2, tình nguyện viên sẽ chỉ ở lại địa điểm tiêm 60 phút sau khi tiêm. Sau đó tình nguyện viên sẽ được về nhà và được theo dõi sức khỏe bởi lực lượng y tế địa phương. Chia sẻ thêm về giai đoạn thử nghiệm vắc xin cần đến hàng nghìn người, Giám đốc Học viện Quân y cho hay với số lượng người tiêm ở giai đoạn 3 dự kiến mở rộng lên tới 10.000-15.000 người, thử nghiệm sẽ được tiến hành cả các vùng dịch tễ ở trong nước và nước ngoài, từ đó cho các kết quả đối ứng với miễn dịch.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học- Công nghệ (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắcxin cho biết ở đợt thử nghiệm giai đoạn 2 có sự khác biệt so với giai đoạn 1 là có 4 nhóm thử nghiệm; trong đó 3 nhóm sử dụng vắcxin, còn 1 nhóm sử dụng giả dược. Điều này hoàn toàn ngẫu nhiên, bản thân người nghiên cứu, nhân viên y tế và tình nguyện viên đều không biết để có sự khách quan. Mục đích của việc làm này là để đánh giá với từng đối tượng thì tỉ lệ sinh miễn dịch ra sao. Do đó giai đoạn 2 vô cùng quan trọng.
Cũng trong ngày 26.2, tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức tỉnh Long An, Viện Paster TP.HCM đã tiến hành buổi tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 2 với sự tham gia của gần 40 tình nguyện viên. Ông N.M.T, sinh năm 1969 một trong những tình nguyện viên cho biết, trước khi tiêm các tình nguyện viên được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, sàng lọc theo quy định; cũng như được tư vấn đầy đủ các thông tin liên quan thử nghiệm, quá trình theo dõi cũng như kiểm tra, rà soát đối chiếu thông tin…
Sau một giờ theo dõi sức khỏe sau tiêm, ông N.M.T chia sẻ, không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào đối với sức khỏe, cảm thấy rất tin tưởng và an tâm với sản phẩm vắc xin Nano Covax cũng như hy vọng về kết quả thành công của thử nghiêm để vaccine có thể được đưa vào sử dụng nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 12 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Q.HOA