Phó Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam chia sẻ về truyền máu "nhân tạo"

VHO- Mới đây, hai bệnh nhân ở Vương quốc Anh nhận được lượng nhỏ máu nuôi trong phòng thí nghiệm, đem lại hy vọng cho những người bị rối loạn máu, có máu hiếm. TS.BS Bạch Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam đã có chia sẻ về sự kiện này.

Ngày 24-25.11 tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, các Trung tâm Huyết học - Truyền máu trong cả nước tổ chức Hội nghị Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2022. Đây là Hội nghị khoa học lớn nhất của ngành Huyết học - Truyền máu được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Phó Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam chia sẻ về truyền máu

PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TƯ phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị lần này có sự tham dự của gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Singapore và các nhà khoa học trong nước là chuyên gia đầu ngành về Huyết học - Truyền máu Việt Nam, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến từ các bệnh viện, trường đại học, Viện nghiên cứu trên toàn quốc. Bên cạnh 3 phiên toàn thể của chuyên gia quốc tế và nhà khoa học trong nước, sẽ có 9 phiên báo cáo theo các chuyên đề: Huyết học lâm sàng, Cận lâm sàng, Truyền máu, Tế bào gốc, Đông máu, Thalassemia, Miễn dịch – Di truyền – Sinh học phân tử… Ban tổ chức còn dành trọn 3 phiên cho các báo cáo viên trẻ nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được phát huy khả năng, trình độ chuyên môn, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tiếp tục học tập và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của chuyên khoa Huyết học – Truyền máu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết:  “Trong những năm vừa qua, ngành Huyết học – Truyền máu đã có những bước tiến rất nhanh, hiện nay chúng đã đã làm được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện: điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân, có những chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc các bệnh máu di truyền”. 
Hội nghị là dịp để các nhà khoa học, cán bộ trong toàn ngành được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và đảm bảo nguồn máu an toàn, kịp thời trên toàn quốc”. Nhân sự kiện này, bên lề hội nghị, TS.BS Bạch Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam đã có chia sẻ quan điểm về 2 trường hợp đầu tiên tại Vương quốc Anh đã nhận được những liều nhỏ máu được "nuôi" trong phòng thí nghiệm. Đây là giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm xem xét máu nhân tạo hoạt động như thế nào bên trong cơ thể.

Phó Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam chia sẻ về truyền máu

Các đại biểu quốc tế tại hội nghị

Lần đầu tiên nguồn máu được sáng chế trong phòng thí nghiệm được truyền vào người trong một thử nghiệm lâm sàng mang tính bước ngoặt. Theo TS.BS Bạch Quốc Khánh, hồng cầu của chúng ta có vai trò mang một chất ở trên đó và chất đó có nhiệm vụ gắn vào với oxy để vận chuyển đến các cơ quan trên cơ thể; và các nhà khoa học ở Anh đã tạo ra được một chất có khả năng vận chuyển oxy . Do đó sản xuất ra “máu nhân tạo”  là sản xuất ra một chất nhân tạo có khả năng gắn với oxy để vận chuyển tới các cơ quan tổ chức; chứ không phải là sản xuất ra hồng cầu.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là khi sản xuất được chất đó thì làm thế nào để nhân nó lên đủ số lượng để tương đương với một đơn vị hồng cầu ví dụ như 350 ml máu phải chứa hàng triệu hoặc hàng tỷ hồng cầu. “Dù vậy, đây là một tiến bộ mang lại rất nhiều hy vọng cho các trường hợp bệnh nhân bị bệnh rối loạn máu đặc biệt là máu hiếm. Nhưng để có thể sản xuất và việc sử dụng trở thành thường quy thì chúng ta sẽ còn phải có rất nhiều thời gian nữa”, Phó Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam nói.
 Cũng theo ông Bạch Quốc Khánh, việc nghiên cứu thành công những máu "nhân tạo” là hướng tốt nhưng đòi hỏi rất nhiều thời gian công sức, tiền của mà chúng ta có những biện pháp đơn giản hơn, dễ làm hơn. Ví dụ, hiện nay có nhiều quốc gia và Việt Nam cũng đã bắt đầu triển khai là trữ hồng cầu máu hiếm ở độ âm sâu mà thường gọi là giữ đông lạnh. Khi giữ đông lạnh như thế thì đời sống của hồng cầu có thể kéo dài đến 1 năm và hoàn toàn có thể phục vụ cho những trường hợp nhóm máu hiếm mà chúng ta cần.  Còn ở cấp thấp hơn thì chúng ta thành lập những câu lạc bộ nhóm máu hiếm như chúng ta đang làm hiện nay, nó vẫn đáp ứng khá đầy đủ mỗi khi bệnh nhân có nhóm máu hiếm cần phải truyền.
Còn tại Việt Nam, nói về định hướng thời gian tới, PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh cho biết ngành Huyết học – Truyền máu sẽ tập trung vào những kỹ thuật mới nhất mà trong khu vực và trên thế giới đang phát triển: ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, điều trị tế bào (như liệu pháp CAR-T cell), điều trị nhắm đích bằng thuốc mới. Những trị liệu như vậy giúp tiên lượng, điều trị bệnh nhân chính xác hơn nhiều so với trước kia, giúp người bệnh cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống và khỏi bệnh trong một số trường hợp.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc