Phân tuyến điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
VHO- Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 11.7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đã có 34 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Bộ Y tế dự báo số ca Covid-19 và ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng, nguy cơ dịch chồng dịch nếu không quyết liệt phòng chống.
Bộ Y tế cho biết, ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, chỉ trong vòng 1 tuần qua đã ghi nhận hơn 11.000 người mắc. Trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (35.936/9) số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp.
Kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội)
Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 7 tháng đầu năm 2022 là 0,035% (tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016-2020 là 0,03%), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Timor Leste 1,2%, Indonesia 0,89%, Philippin 0,51%, Campuchia 0,2%, Lào 0,18%, Malaysia 0,06%).
Bộ Y tế cho hay, kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Liên quan đến công tác điều trị, Bộ Y tế đã có văn bản về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue. Theo đó, yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết Dengue.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời); Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị). Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết Dengue; Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; Xuất huyết nặng; Suy tạng nặng.
Bộ Y tế lưu ý, trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp. Trạm Y tế xã phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nội, Nhi, Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (trừ các trường hợp xem xét chỉ định nhập viện điều trị tại mục A, điều trị sốt xuất huyết Dengue phần IV. Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1.
Đối với mức độ 2, chỉ những bệnh viện đa khoa tư nhân đã được tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới tiếp nhận. Đối với mức độ 3, chỉ những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng tiếp nhận bệnh nhân. Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên. Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng có suy tạng, xuất huyết thì sơ cứu, hội chẩn chuyển tuyến trên.
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối tập trung nguồn lực để thu dung, điều trị những trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng; hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Khi vượt quá khả năng cho phép, cần chuyển người bệnh lên tuyến trên phải thông báo trước với đơn vị tiếp nhận để chuẩn bị; Ghi chép đầy đủ các thông tin về diễn biến lâm sàng, các kết quả xét nghiệm, các phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng.
Q.HOA