Nơi tập hợp các nhà khoa học chuyên ngành Di truyền học
VHO- Đến nay các kỹ thuật di truyền không chỉ dùng để chẩn đoán các bệnh di truyền mà còn dùng định loại các vi sinh vật gây bệnh. Các bệnh di truyền có hơn 10.000 bệnh cơ bản, số lượng bệnh nhiều, các kỹ thuật di truyền dùng cho chẩn đoán bệnh cũng rất đa dạng. Tại Việt Nam nhiều đơn vị, cơ sở di truyền học ra đời, nhiều chuyên gia di truyền có các công trình nghiên cứu quan trọng… và được đánh dấu bằng sự ra đời của Hội Di truyền y học Việt Nam.
Với mong muốn tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, bác sĩ di truyền, sản khoa, nhi khoa, tim mạch, ung bướu và các nhà khoa học có thể trao đổi kinh nghiệm, giao lưu và hợp tác liên kết giữa di truyền và y học, thúc đẩy sự phát triển của di truyền y học Việt Nam, Hội Di truyền y học VN đã ra đời (theo Quyết định số 289/QĐ-BNV ngày 28.4.2019 của Bộ Nội vụ).
Đây là tâm huyết của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, các bác sĩ trên nhiều lĩnh vực của ba miền Bắc - Trung - Nam như: GS.TS. Trương Đình Kiệt và cộng sự - Đại học Y Dược TP.HCM, PGS.TS. Trần Đức Phấn, Lương Thị Lan Anh, Hoàng Thị Ngọc Lan và cộng sự - Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhân, Hà Thị Minh Thi và cộng sự - Đại học Y Dược Huế, PGS.TS. Trần Văn Khoa và cộng sự - Học viện Quân Y, GS.TS. Lương Xuân Hiến và cộng sự - Đại học Y Dược Thái Bình, TS. Vũ Chí Dũng và cộng sự - Bệnh viện Nhi Trung Ương...
Các nhà khoa học trình bầy báo cáo nghiên cứu y học di truyền
Tại Hội nghị Di truyền Y học diễn ra ngày 4.7 tại Trường ĐH Y Hà Nội, nhiều báo cáo, tham luận có ý nghĩa khoa học và những thông tin mới, giá trị về di truyền y học được trình bày như: Các tiến bộ của Di truyền ứng dụng trong Y học, Tối đa hóa lợi ích của hệ gen học trong thời đại y học chính xác, Giải trình tự gen thế hệ mới cho các bệnh chưa có chẩn đoán và thay đổi về thực hành sàng lọc sơ sinh bệnh di truyền trong kỷ nguyên mới, Di truyền trong bệnh lý huyết học và ung thư…
Các chuyên gia cho biết, những năm gần đây, lĩnh vực di truyền học đã đạt được nhiều bước tiến mới với sự phát triển của các kỹ thuật di truyền, tạo ra nhiều thay đổi lớn trên các lĩnh vực: sinh học, nông nghiệp, y dược... Đặc biệt trong y học việc ứng dụng những thành tựu của di truyền học đã mang đến nhiều đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Di truyền y học tác động đến tất cả các lĩnh vực y học như: ung bướu, huyết học, tim mạch, hỗ trợ sinh sản.
Các đại biểu trong Ban chấp hành Hội Di truyền y học Việt Nam
“Hiện nay việc chẩn đoán, phòng ngừa bệnh di truyền đa nhân tố còn hạn chế, trong khi đó, sản phẩm biến đổi gen tạo các sinh phẩm, tạo năng xuất cao nhưng cũng tạo ra các nguy cơ di truyền: Tác hại của sản phẩm biến đổi gen? Liệu các kỹ thuật này có ứng dụng ở người. Do đó chúng ta cần phải phát triển tư vấn di truyền, hợp tác, chia sẻ thông tin để phát triển công nghệ, có số liệu của người Việt Nam. Cần chẩn đoán, phòng ngừa bệnh di truyền đa nhân tố, phòng ngừa bệnh tật di truyền; vấn đề vô sinh và vấn đề về giới (giới tính thứ 3)”, PGS, TS Trần Đức Phấn, Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh.
Đại hội Hội Di truyền Y học Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức đã bầu ra 29 đại biểu trong ban chấp hành. PGS, TS Trần Đức Phấn, Trường Đại học Y Hà Nội được bầu làm chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam.
Q.HOA