Những nữ điều dưỡng tận tâm, hết lòng vì người bệnh

VHO - Tận tâm theo dõi từng hơi thở, nhịp tim, giọt máu cho đến khẩu phần ăn, việc vệ sinh hằng ngày... những công việc tưởng chừng như đơn giản ấy của các nữ điều dưỡng nhưng đã góp phần cùng với các bác sĩ chăm sóc, điều trị, giúp bệnh nhân vượt qua những cơn đau bệnh tật.

Những nữ điều dưỡng tận tâm, hết lòng vì người bệnh - Anh 1

Điều dưỡng Đặng Thị Tiên túc trực hằng ngày xuyên suốt với em bé ở Khoa Sơ sinh

Tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi) thực hiện nhiệm vụ điều trị cho trẻ sinh non bị các bệnh lý nặng như suy hô hấp, đa dị tật. Tại đây, đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng phải thực hiện chăm sóc toàn diện, hoàn toàn thay cho người nhà của trẻ. Với điều dưỡng Đặng Thị Tiên, nghề y vất vả, đòi hỏi sự hy sinh, nhưng riêng với chuyên ngành sơ sinh lại đặc thù hơn. Chăm sóc, điều trị các trẻ sơ sinh là một cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của chị và đồng nghiệp. 
Luôn tay chăm sóc, nâng niu từng nhịp thở của những đứa trẻ yếu ớt với cái tâm của một người mẹ, điều dưỡng Đặng Thị Tiên như quên đi những mệt nhọc, vì biết rằng công việc mình đang làm vô cùng ý nghĩa. Chị Tiên bộc bạch : “Mình phải túc trực hằng ngày xuyên suốt với em bé, khi em bé có dấu hiệu bất thường, diễn biến gì xấu phải kịp thời nắm bắt để báo bác sĩ xử trí, giúp em bé khỏi bị nặng hơn hoặc qua cơn nguy kịch. Bản thân mình gia đình rồi thì thấy rất là thương con nhỏ, người mẹ nào cũng muốn cho con được khỏe mạnh, nên mình hiểu tâm lý người nhà cố gắng chăm sóc để các em bé khỏe mạnh về với gia đình”.
Mắt thấy tai nghe, mới cảm nhận và sẻ chia với những vất vả thầm lặng của đội ngũ điều dưỡng ở khoa Lao ngoài phổi và bệnh phổi nhiễm trùng (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh). Trước áp lực nguy cơ lây nhiễm cao bất cứ lúc nào và khối lượng công việc khá nhiều, chị Phạm Thị Lệ Trinh đã bền bỉ gắn bó 15 năm với nghề điều dưỡng và luôn xác định phải luôn hết lòng chăm sóc người bệnh. Trên hành trình tìm lại sức khỏe cho bệnh nhân, chị Phạm Thị Lệ Trinh không chỉ chăm sóc theo chỉ định của bác sĩ, mà còn xoa dịu nỗi đau tinh thần của họ bằng sự kiên nhẫn, tận tình để thấu hiểu người bệnh như chính người nhà của mình.

Những nữ điều dưỡng tận tâm, hết lòng vì người bệnh - Anh 2

Áp lực nguy cơ lây nhiễm cao bất cứ lúc nào đối với điều dưỡng ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi

“Chuyên ngành lao lây nhiễm nên nhiều người rất ngại, nghe tới lao là họ sợ rồi. Nhưng mình vì sức khỏe của bệnh nhân, coi bệnh nhân như người nhà của mình nên mình cố gắng hết sức. Chớ nếu e ngại thì ai phục vụ cho bệnh nhân lao, mình sẽ cố gắng nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ”, chị Trinh chia sẻ.
Tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, Khoa Cấp cứu - Hồi sức và chống độc là nơi thường có nhiều bệnh nhân nặng đến cấp cứu, điều trị. Số lượng bệnh nhân đông kéo theo khối lượng công việc lớn mà các điều dưỡng phải đảm nhận. Từ khâu đón tiếp, săn sóc, hướng dẫn người bệnh khi vào viện, quá trình nằm viện cho tới khi người bệnh xuất viện. Lặng lẽ với công việc không tên, các điều dưỡng luôn vui vẻ, hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Đối với điều dưỡng Nguyễn Thị Cẩm Trang, Khoa Cấp cứu – Hồi sức và chống độc, công việc tuy chịu nhiều áp lực, song điều dưỡng phải luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn, động viên người bệnh. “Điều dưỡng thường xuyên phải nghe những lời khó nghe từ người bệnh khi họ lên cơn đau, hay người nhà quá khích... Nhưng đã gắn bó với nghề thì phải luôn xác định người bệnh là trên hết. Mình phải luôn lắng nghe, thấu hiểu và giải thích chu đáo, tận tình mới làm hài lòng bệnh nhân”, chị Trang nói.

Những nữ điều dưỡng tận tâm, hết lòng vì người bệnh - Anh 3

Lặng lẽ với công việc không tên, các điều dưỡng luôn vui vẻ, hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất

Ngành y tế đang tích cực chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện đổi mới trong phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Việc xây dựng đội ngũ điều dưỡng tận tâm, trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lặng thầm và đầy vất vả, có lẽ sự thấu hiểu, cảm thông của gia đình và những bệnh nhân là động lực, niềm an ủi lớn nhất để mỗi điều dưỡng thêm yêu và gắn bó với nghề.  
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Đức cho biết, đội ngũ điều dưỡng được ví là những người có đôi tay mềm nhất, đôi tai thính nhất và trái tim đầy bao dung nhân hậu. Chiếm 50% nhân lực trong các cơ sở y tế, đội ngũ điều dưỡng với công việc thầm lặng hàng ngày đã trở thành cánh tay đắc lực của hệ thống y tế với mục tiêu hướng đến là sự phục hồi sức khỏe của mỗi bệnh nhân. 

Những nữ điều dưỡng tận tâm, hết lòng vì người bệnh - Anh 4

Ân cần chăm sóc bệnh nhân

“Để quyết định việc điều trị bệnh thành công hay không, là nhờ một phần rất lớn của công tác điều dưỡng, từ việc dùng thuốc, chăm sóc tích cực, toàn diện, cho đến dinh dưỡng, vật lý trị liệu. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ kiến nghị chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng cấp trên có những chính sách ưu tiên trong tuyển dụng cũng như tạo điều kiện, môi trường, cơ hội học tập cho các điều dưỡng”, ông Đức bày tỏ.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc