Nhiều cán bộ bỏ việc, nguồn nhân lực y tế ngày càng "mỏng"

VHO- Hiện thành phố Đà Nẵng là một trong các tỉnh, thành phố có tỷ lệ nhân viên ngành y tế thôi việc, bỏ việc cao; ngoài ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh cũng đang là một trong những vấn đề khó khăn của ngành y tế.

Nhiều cán bộ bỏ việc, nguồn nhân lực y tế ngày càng

 Cán bộ, nhân viên y tế chịu nhiều áp lực

 Theo Báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Đà Nẵng, nguồn nhân lực y tế của thành phố đang “mỏng” so với yêu cầu thực tiễn. Tình trạng thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng xảy ra ở các tuyến y tế cơ sở, một số bệnh viện chuyên khoa đặc thù như Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng; đơn vị không giường bệnh gồm Trung tâm Cấp cứu, Trung tâm Pháp Y, Trung tâm Giám định Y khoa...

Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6.2022, trên địa bàn thành phố có khoảng 300 cán bộ y tế nghỉ việc, điều này đã khiến cho nhân lực ngành y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ càng trở nên thiếu hụt trầm trọng. Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng ông Võ Ngọc Đồng cho rằng, tình trạng thiếu hụt này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Và nguyên nhân sâu xa vẫn là do công việc của nghề y quá vất vả, cường độ, khối lượng và áp lực công việc quá cao, chế độ tiền lương và ưu đãi chưa tương xứng, trong khi đó chính sách thu hút bên ngoài, đặc biệt là khối tư nhân lại hấp dẫn, mức lương cao. Theo ông Võ Ngọc Đồng, thực tế với lương cán bộ ngành Y như hiện nay, nhiều người vẫn phải thuê nhà ở, đi làm thêm để đảm bảo cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó đối với cán bộ y tế thì nguy cơ mắc bệnh và tai nạn nghề nghiệp cao; không có thời gian chăm sóc gia đình. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài 2 năm qua, điều kiện sinh hoạt và thời gian nghỉ ngơi hồi phục để đảm bảo sức khỏe của các cán bộ Y tế không thực sự đảm bảo.

Nhìn chung, cán bộ y tế nghỉ việc ồ ạt bắt nguồn từ tâm lý mong cầu sự an toàn về thu nhập và tâm lý, trong khi có những giải pháp thành phố không thể làm được mà phải cần đến sự vào cuộc của cấp Trung ương. Về giải pháp trước mắt, bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, ngành y tế Đà Nẵng đang phối hợp với thủ trưởng các đơn vị động viên, cung cấp thông tin để các cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác, gắn bó với ngành. Trên cơ sở những chính sách đã thực hiện, Sở Y tế Đà Nẵng đang rà soát toàn bộ chế độ, chính sách để có đề xuất tổng thể và dự kiến có báo cáo trình UBND TP Đà Nẵng xem xét. Không chỉ thiếu nguồn nhân lực, hiện nay tại thành phố Đà Nẵng còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số đơn vị. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Đà Nẵng tăng 15% so với cùng kỳ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ.

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khoá X, đại biểu Lê Thị Như Hồng (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng) nêu lên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đồng thời lo lắng vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cứu chữa bệnh nhân. Đại biểu Lê Thị Như Hồng nhận định: Vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc men y tế là vấn đề sống còn của ngành y tế Đà Nẵng hiện nay, không thể vì việc khó khăn mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc men y tế mà bệnh nhân bị chậm hoặc không được cứu chữa bệnh, qua đó cũng đề nghị ngành y tế nhanh chóng đề xuất các giải pháp với UBND thành phố để có hướng tháo gỡ, hỗ trợ các đơn vị để không bị lúng túng, bị động.

Lãnh đạo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thừa nhận việc thiếu thuốc, vật tư y tế là có, tuy nhiên chỉ cục bộ ở một số đơn vị, đồng thời đưa ra nguyên nhân lý giải như do một số thuốc đặc thù thuộc mua sắm tập trung quốc gia có kết quả mua sắm chậm so với dự kiến; việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh và tình trạng bất ổn trên thế giới dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu, hàng hóa; việc chậm gia hạn số đăng ký thuốc và giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế dẫn đến một số thuốc đã mua sắm nhưng chậm cung ứng. Bên cạnh đó, do nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao; trong quá trình khám chữa bệnh phát sinh nhu cầu về một số thuốc, vật tư y tế mang tính chất chuyên khoa, đặc thù... Qua đó, ngành y tế Đà Nẵng đã đề xuất ba giải pháp đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực y tế của thành phố một cách bền vững trong thời gian tới. Đó là thực hiện chính sách hỗ trợ, phụ cấp cho nhân lực y tế các tuyến, chính sách đặc thù cho nhân lực y tế tuyến cơ sở và một số đơn vị khó khăn theo mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố; đào tạo bồi dưỡng phù hợp với điều kiện của từng tuyến y tế và đơn vị; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên khoa sâu; thực hiện chính sách thu hút bác sĩ đa khoa và sau đại học để phát triển nhân lực chất lượng cao tại khu vực công.

Cụ thể, Sở Y tế Đà Nẵng đề xuất trích nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ hằng tháng cho các y, bác sĩ và nhân y tế các cấp với tổng số tiền gần 4,5 tỉ đồng bên cạnh phần các đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Trong đó, đối với viên chức, hợp đồng lao động tại các đơn vị như Trung tâm Pháp Y, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần, và công chức tại Sở Y tế, bác sĩ sẽ nhận 1,5 triệu đồng/người/tháng; người làm công tác chuyên môn y tế trực tiếp (không phải bác sĩ) là 1 triệu đồng/người/tháng trong khi người làm bộ phận gián tiếp, hành chính được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, để thu hút người tài, Sở Y tế Đà Nẵng đưa ra nhiều quyền lợi, trong đó bao gồm được xem xét cho thuê nhà chung cư hoặc hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10-15 năm để mua nhà xã hội theo quy định của Nhà nước và UBND thành phố Đà Nẵng cũng như được hỗ trợ kinh phí một lần cho bác sĩ cam kết làm việc lâu dài (từ 10 năm trở lên) theo định mức hỗ trợ của thành phố và tham khảo chính sách thu hút bác sĩ tại một số tỉnh, thành phố khác (như Hòa Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang…). Đà Nẵng hiện có hơn 4.000 viên chức y tế đã qua đào tạo và bồi dưỡng trong năm 2021. 

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc