Nhận diện, phát hiện dịch bệnh nguy hiểm sớm ngay tại bệnh viện

VHO- Việc xuất hiện cúm A/H5 ở người trở lại sau 8 năm, xuất hiện bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ 2 cùng với dịch Covid-19, cúm A, cúm B và dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng đòi hỏi hệ thống y tế phải tăng cường phòng dịch, điều trị bệnh nhân và người dân tuân thủ các biện pháp để giữ gìn sức khỏe.

Nhận diện, phát hiện dịch bệnh nguy hiểm sớm ngay tại bệnh viện - Anh 1


Vừa qua, tại tỉnh Phú Thọ ghi nhận ca nhiễm cúm A/ H5 ở bệnh nhi nữ, 4 tuổi, địa chỉ tại Khu 10 xã Đông Thành, huyện Thanh Ba. PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viên Nhi Trung ương cho biết, sau 2 tuần điều trị tích cực, bé gái mắc đã may mắn vượt qua cơn nguy kịch. Chức năng cơ quan của bệnh nhi đã hồi phục, trẻ cai được máy thở và cai oxy, hiện còn theo dõi chức năng thận để có phác đồ điều trị phù hợp. 
Theo người nhà bệnh nhi, khoảng một tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Đến ngày 5.10, cháu bé xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Ngày 7.10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện địa phương và được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 10.10. Trẻ được Bệnh viện xét nghiệm, xác định mắc cúm A/H5 và ngày 17.10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định trẻ dương tính với vi rút cúm A/H5. Đây là ca mắc cúm A (H5) đầu tiên tại Việt Nam tái xuất sau 8 năm; tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5. 
Sở Y tế Phú Thọ cho hay, tính đến nay, đã qua 14 ngày kể từ khi bệnh nhi có triệu chứng đầu tiên, hiện toàn bộ những người tiếp xúc gần sức khỏe đều ổn định, đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính với vi rút cúm A/H5; xung quanh khu vực nhà bệnh nhi sinh sống chưa ghi nhận ca bệnh tương tự; chưa phát hiện ổ dịch khác trên đàn gia cầm nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng thấp. Tuy nhiên các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ qua 21 ngày kể từ khi xuất hiện ca bệnh. Các chuyên gia dự báo, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. có nguy cơ cao. 
Để chủ động phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã gửi văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao… 
Đánh giá về nguy cơ dịch cúm A/ H5, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, với việc sau hơn 8 năm cúm A/H5 mới tái xuất trên người, có thể thấy ngoài khâu phòng chống, giám sát của cơ quan chức năng thì ý thức của người dân trong việc ngăn ngừa lây lan bệnh từ gia cầm đã có thay đổi tích cực. Bên cạnh đó, có thể chủng cúm A/H5N1 đã giảm khả năng bùng phát các ổ dịch ở gia cầm cũng như việc lây sang người đã giảm hoặc độc lực cúm A/H5N1 không mạnh như trước. Qua giám sát của Cục Thú y, chưa thấy sự bùng phát các ổ dịch trên đàn gia cầm mà chỉ là những ổ bệnh nhỏ, lẻ. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng nhưng cũng không thể chủ quan, lơ là. 
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, khi có dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, các cơ sở khám, chữa bệnh thường là nơi những bệnh nhân đầu tiên tìm đến. Nếu những bệnh nhân đầu tiên không được phát hiện, bản thân bệnh nhân sẽ không được tiếp cận với các biện pháp điều trị phù hợp theo căn nguyên, còn dịch bệnh bị bỏ quên và tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Dịch bệnh càng nguy hiểm, mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng càng lớn và kiểm soát càng khó khăn. Ngược lại, khi những ca bệnh đầu tiên của dịch bệnh sớm được phát hiện, khuynh hướng tiến triển của dịch cũng sớm nhận ra, các giải pháp ứng phó sẽ sớm được triển khai và phát huy hiệu quả. Các ca bệnh cũng sẽ được thu dung điều trị phù hợp. Việc lây nhiễm trong bệnh viện được kiểm soát hiệu quả ngay từ đầu. 
Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, trong bối cảnh có sự lưu hành của nhiều bệnh truyền nhiễm, việc quan trọng là giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để khoanh vùng. Nếu chúng ta quan tâm khống chế, kiểm soát được từng dịch bệnh thì không vấn đề gì. Song, đáng lo ngại nhất là chỉ chú trọng dịch bệnh này mà không quan tâm phòng, chống dịch bệnh khác, để khi dịch lan rộng thì khó mà giải quyết. Để phòng, chống các dịch bệnh và hạn chế nguy cơ “dịch chồng dịch”, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều tình huống. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát tại cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm; truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý, không để dịch lây lan. Trong đó, đặc biệt lưu ý trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc người nghi ngờ, người mắc bệnh. Hệ thống y tế cần nâng cao năng lực, nhất là y tế dự phòng. Nhìn xa hơn, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng dịch. 

 Tại TP.HCM cũng xuất hiện bệnh nhân thứ 2 mắc đậu mùa khỉ, đó là bệnh nhân nữ, 38 tuổi (thường trú tại tỉnh Tuyên Quang), đi du lịch tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) từ ngày 29.9 và về TP.HCM ngày 18.10 có tiếp xúc với ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân khởi phát sốt ngày 18.10, có nổi mụn nước, khi về đến Việt Nam (nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) được kiểm dịch y tế rà soát phát hiện. Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm xét nghiệm Realtime PCR, cho kết quả dương tính với đậu mùa khỉ. 

 QUỲNH HOA 

Ý kiến bạn đọc