Người Việt có chủ quan với tác hại của đồ uống có đường?

VHO- Người dân đã và đang nhận thức được tác hại của rượu bia, thuốc lá nhưng với đồ uống có đường thì dường như chưa được quan tâm đúng mức. Bằng chứng là tỉ lệ tiêu thụ loại đồ uống này đang gia tăng hằng năm, kéo theo là hệ lụy bệnh tật. Tuy nhiên, dường như chưa có nhiều cảnh báo về tác hại.

Người Việt có chủ quan với tác hại của đồ uống có đường? - Anh 1

 Trẻ em thường bị hấp dẫn bởi các loại đồ uống có đường Ảnh: M.THANH

Sử dụng đồ uống có đường hiện nay đang trở thành trend của giới trẻ, và thậm chí “khoe” trên mạng xã hội với các loại trà sữa, chè, nước giải khát… Trong khi đó, những người mẹ thường chiều con mua sữa có đường nhiều hơn loại ít đường hoặc không đường. Trên mâm cỗ, người lớn uống bia, còn trẻ nhỏ được uống coca hoặc nước giải khát có ga…; mùa hè một số loại hoa quả được ngâm đường để làm nước giải khát…

Gia tăng tiêu thụ đồ uống có đường

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây về tác hại của đồ uống có đường, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết, trong 15 năm qua ở Việt Nam, mức tiêu thụ đồ uống có đường trên đầu người đã tăng hơn 7 lần từ 6,02 triệu lít/năm lên 44 triệu lít/năm. Về lượng đường tự do (loại đường được bổ sung vào sản phẩm), người Việt tiêu thụ khoảng 46,5%g/ngày/người, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo (dưới 25g).

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tác hại của việc tiêu thụ đồ uống có đường quá mức không chỉ làm tăng nguy cơ sâu răng, mà còn làm tăng nhanh mức calor trong khẩu phần, vì đánh lừa cảm giác no, tăng nguy cơ thừa cân và béo phì ở cả người lớn và trẻ em, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2... Ông Trần Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết, đồ uống có đường có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn, chính vì thế càng được giới trẻ ưa chuộng. Theo một báo cáo về tiêu thụ đồ uống có đường của Việt Nam, học sinh từ 13 - 17 tuổi uống nước ngọt có ga ít nhất 1 lần/ngày tăng từ 31,7% lên tới gần 34%.

Đồng hành với con số này là việc gia tăng nhanh chóng tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì: Tăng gấp đôi từ 8,5% lên 19% trong 10 năm và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt ở TP.HCM đã vượt 50% và tại Hà Nội vượt 41%. Đây chính là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm và gây tử vong hàng đầu hiện nay, chiếm 33%/73% nguyên nhân tử vong hằng năm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cần thay đổi thói quen tiêu dùng đồ uống có đường ở người dân cũng như trong các gia đình (tỉ lệ hộ gia đình tiêu thụ đồ uống có đường tăng từ 56%/năm lên gần 70%/năm). Ngoài ra Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp mạnh hơn nữa để giảm cơ hội tiếp cận với các loại đồ uống có đường hiện nay.

Chính sách thuế là giải pháp

WHO khuyến cáo trẻ em dưới 2 tuổi không nên uống đồ uống có đường, từ 2 - 18 tuổi hạn chế đường tiêu thụ xuống dưới 25g/ngày (dưới 5% tổng năng lượng nạp vào); giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, trong 1 lon nước ngọt chứa khoảng 33- 35g đường, lượng đường trong 1 ly trà sữa còn cao gấp đôi. Do đó, cần giảm tiêu thụ đồ uống có đường bằng cách sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường; hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo ngọt, mứt, siro, hạn chế cho đường khi chế biến món ăn, ăn trái cây tươi ít ngọt thay vì đồ ăn vặt có đường, trái cây sấy khô…

Chia sẻ về kinh nghiệm giảm tiêu thụ đồ uống có đường trên thế giới, bà Hoàng Ly Na (tổ chức Health Bridge tại Việt Nam) cho biết, có hơn 67 quốc gia/vùng lãnh thổ và 9 bang của Mỹ và Tây Ban Nha đang áp dụng các công cụ thuế nhằm tăng giá của đồ uống có đường với mục tiêu giảm tiêu dùng đồ uống có đường. Hơn 40 quốc gia đang triển khai bắt buộc (hoặc tự nguyện) dán nhãn dinh dưỡng, giúp minh bạch thông tin về thành phần và hàm lượng của chất dinh dưỡng trong sản phẩm, trong đó cảnh báo về lượng đường (high sugar) để người mua hàng có thể đưa ra các lựa chọn phù hợp và lành mạnh.

Quảng cáo tác động nhiều đến hành vi mua hàng do đó, nhiều quốc gia giới hạn thời điểm quảng cáo như Đài Loan (Trung Quốc) không được quảng cáo đồ uống có đường tại các kênh cho trẻ em từ 17 – 21h, tại Chile, Island, Pháp…cấm quảng cáo cho trẻ dưới 14 tuổi, tại các kênh cho trên 50% khán giả là trẻ em; quảng cáo phải đi kèm thông điệp tiêu thụ ít đồ uống có đường hoặc ăn rau quả hằng ngày…

Trước nguy cơ và tác hại của đồ uống có đường, WHO cũng khuyến nghị các quốc gia nên đặt mục tiêu gia tăng giá bán lẻ đồ uống có đường lên ít nhất 20% để đạt hiệu quả giảm tiêu thụ loại đồ uống này. Tại Thái Lan, sau 2 năm đánh thuế, tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hằng ngày giảm 2,8%, nước uống có ga giảm 17.7%; ở Mexico, giảm 6% trong năm đầu tiên thực hiện tăng thuế và giảm 10% ở năm tiếp theo; ở TP Berkeley (bang California, Mỹ), sau 3 năm đánh thuế giảm tiêu thụ từ 1,25 lần/ngày xuống còn 0,55 lần/ngày và tiêu thụ nước tăng 1,02 lần…

Đối với Việt Nam, bà Hoàng Ly Na cho rằng, chính sách thuế được coi là chính sách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí bởi sẽ giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và khuyến khích sử dụng sản phẩm lành mạnh. Tuy nhiên Việt Nam hiện chưa đánh thuế đồ uống có đường. “Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện các chính sách đặc biệt là chính sách thuế đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân khỏi tác động của nó tới sức khỏe. Đánh thuế mặt hàng này tăng thêm 20% như khuyến cáo của WHO sẽ giúp giảm các tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần sớm quy định bắt buộc phải dán nhãn dinh dưỡng cho sản phẩm, trong đó có công bố hàm lượng đường”, bà Hoàng Ly Na nói.

Theo các chuyên gia, nếu áp dụng đánh thuế tỉ lệ theo giá xuất xưởng thì Việt Nam cần đánh thuế ở mức 40% và có thể thực hiện theo lộ trình. 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc