Năm học mới bắt đầu, cảnh báo bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm
VHO- Sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng… đang diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh tại một số địa phương trên cả nước, trong đó đã ghi nhận nhiều ca tử vong. Năm học mới đã bắt đầu cũng là nỗi lo bùng phát dịch bệnh trong khu vực trường học.
Giáo viên Trường mầm non Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khử khuẩn đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B có sự giám sát của nhân viên y tế Ảnh: M.H
Trước tình hình này, Bộ Y tế cảnh báo dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát sau ngày tựu trường, các địa phương, nhà trường không được lơ là, chủ quan.
Gia tăng bệnh đau mắt đỏ
Hiện dịch đau mắt đỏ đang gia tăng. Ghi nhận tại các Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm kết mạc cấp, trong đó có 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc). Đặc biệt mới đây, một trẻ 10 tuổi bị viêm kết mạc phải bóc giả mạc, bị tai biến dẫn đến hoại tử mắt.
BS Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch. Viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán. “Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh, vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…”, BS Quỳnh Anh thông tin.
Nhấn mạnh về cách phòng tránh, BS Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: Bệnh lây từ người này sang người khác qua nước mắt và rỉ ghèn có chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Người bị viêm kết mạc hay lấy tay dụi mắt, sau đó cầm nắm vào các đồ vật sử dụng chung trong nhà, nơi làm việc, trường học… làm cho người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây, cũng có thể lây qua môi trường bể bơi tập thể. Các phòng khám mắt không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh tay và dụng cụ cũng làm lây bệnh từ người này sang người khác. Một số viêm kết mạc do virus còn lây bệnh qua đường hô hấp. Ở người bình thường, nước mắt được dẫn lưu xuống mũi qua hệ thống lệ đạo, khi viêm kết mạc, nước mắt chứa yếu tố gây bệnh được dẫn lưu xuống mũi họng. Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí sẽ gây bệnh cho người khác. Người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây cho người khác. Không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người…
Để phòng tránh bệnh và lây bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, hằng ngày người dân nên nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Tại trường học, cơ quan, gia đình..., cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay; cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối…
Tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng
Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết, trong tuần qua (từ ngày 25 đến 31.8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó). Trong đó, dẫn đầu là Đống Đa với 105 ca bệnh, tiếp đến là Cầu Giấy có 86 ca, Nam Từ Liêm (77 ca), Hoàng Mai (76 ca), Đan Phượng (68 ca), Phú Xuyên (63 ca). Trên địa bàn cũng ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong trong năm nay gồm một bệnh nhân 19 tuổi (ở quận Hà Đông) có kèm theo bệnh nền và một nữ bệnh nhân 45 tuổi (quận Hoàn Kiếm); nâng số ca tử vong trên toàn quốc là 17 người.
Ngoài đối mặt với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đang gia tăng trên cả nước đang gây lo ngại khi năm học mới bắt đầu. Theo Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Tuần qua, cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc, tích luỹ từ đầu năm cả nước có 68.096 ca mắc, 18 bệnh nhân tử vong (tăng 15 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Trong những tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận trung bình từ 40-50 ca tay chân miệng, tính từ đầu năm đến nay toàn TP có 36 ổ dịch. Các chuyên gia dịch tễ cho biết, 2 chủng gây bệnh tay chân miệng lưu hành ở Việt Nam là EV71 và A16, trong đó EV71 thường gây bệnh nặng, dễ biến chứng và có thể tử vong. Trong hơn 500 ca tay chân miệng phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm tới nay có 20-30% nhiễm chủng EV71, gây biến chứng viêm não, viêm màng não…
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vào năm học mới, dự báo số trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng nếu trường học, đặc biệt là trường mầm non, tiểu học không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ, đồ chơi nhằm phòng bệnh. Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng đã có công văn yêu cầu các địa phương, cơ sở y tế tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cảnh báo thời gian bắt đầu năm học mới có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học, nhà trẻ và gia đình không thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Đồng thời khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi chủ động theo dõi sức khoẻ cho các bé để kịp thời phát hiện bệnh và đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
QUỲNH HOA