Một kênh “chữa bệnh” thiết thực cho F0 tại nhà
VHO- Thời gian gần đây, số bệnh nhân F0 trên địa bàn Hà Nội liên tục “nẩy số” và tiệm cận với 2.000 ca mắc mới/ngày. Số bệnh nhân điều trị tại nhà gia tăng cùng với tâm lý hoang mang, lo lắng, cần sự giải đáp từ các y bác sĩ có chuyên môn.
Thầy thuốc nhân dân Vũ Quốc Bình tập huấn kiến thức cho nhân viên y tế tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà
Hơn 1 tuần qua, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới (ngày 27.12 ghi nhận 1.948 ca, tăng 61 ca so với ngày hôm trước, bỏ xa hơn 1.000 ca so với địa phương thứ 2 có số ca nhiễm cao là Tây Ninh - 943 ca). Trong số đó, nhiều bệnh nhân F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà dưới sự giám sát của trạm y tế địa phương. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân thiếu sự trợ giúp, đặc biệt là trợ giúp tâm lý khi cần thiết.
“Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc F0 tại nhà”
Trở về từ những đợt chi viện tại tâm dịch TP.HCM, các y bác sĩ hiểu rằng, việc chăm sóc, tư vấn cho F0 kịp thời rất có ý nghĩa trong công tác điều trị. Chính vì vậy, nhóm các bác sĩ quân y đã thành lập một fanpage “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc F0 tại nhà”, sau gần nửa tháng ra đời đã thu hút gần 50.000 thành viên tham gia.
“Các bác sĩ ơi, em là F0 đã 4 ngày, đã trải qua sốt, ho, nôn, nghẹt mũi, đi ngoài... tạm thời chỉ còn ho và sổ mũi. Hôm nay có dọn dẹp một chút thì hơi tức ngực nhẹ giống như mình đi leo thang bộ 4-5 tầng cầu thang vậy. Nhịp tim giao động 120 -130, chưa bao giờ hạ. Vậy nhịp tim như thế có nguy hiểm không ạ và cần lưu ý gì không ạ?”; “Các bác sĩ cho em hỏi là em tự test lên 2 vạch và khai báo y tế phường không được, em đã tự chữa ở nhà sau 3 ngày đến nay trở về 1 vạch thì khoảng bao nhiêu ngày nữa em có thể tái hòa nhập cộng đồng ạ? Hiện giờ sức khỏe của em rất ổn, chỉ ho khan nữa thôi…”; “Nhà em có F0 đang điều trị tại nhà 3 hôm nay, chỉ biểu hiện ho khan và mệt, vẫn uống thuốc ho và bổ sung vitamin. Cho em hỏi bao lâu thì test lại và khoảng bao lâu thì khỏi ạ”… là những thắc mắc liên tục xuất hiện trên fanpage.
Người lập ra fanpage là bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia cho biết, group ra đời trong bối cảnh số ca F0 tăng cao nhằm chia sẻ thông tin chính xác, hữu ích và giúp đỡ các bệnh nhân F0 trước nhiều thông tin không chính thống lan truyền. Ban đầu chỉ có 5 bác sĩ, nhưng đến nay đã thu hút 23 bác sĩ đồng nghiệp ở nhiều chuyên ngành từ xét nghiệm đến chuyên ngành sâu cùng tham gia để bệnh nhân có thể tiếp cận với bác sĩ một cách nhanh nhất. “Mỗi ngày cả trăm bệnh nhân liên lạc, nhưng may mắn hầu hết đều có dấu hiệu nhẹ, chưa gặp trường hợp nào có hiện tượng giảm oxy, hay chuyển nặng”, bác sĩ Tuấn cho hay.
Tại group, các bác sĩ đều công khai số điện thoại để tránh những luồng thông tin lợi dụng, giả mạo, không chính thống. Cùng tham gia group, ThS.BS Nguyễn Hoàng Hiệp, khoa Huyết học Bệnh viện Quân y 103 từng có 6 tháng chống dịch ở Bắc Giang và TP.HCM chia sẻ, qua kinh nghiệm chống dịch tại các điểm nóng, các y bác sĩ mong muốn chia sẻ áp lực với tuyến y tế địa phương. Mỗi ngày, mỗi y bác sĩ tư vấn 40 - 50 bệnh nhân và khoảng 1.000 - 1.500 bệnh nhân được hỗ trợ. “Những ngày vừa qua, các bệnh nhân F0 gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nhân viên y tế, họ có biểu hiện nhẹ nhưng tâm lý lo lắng, hoang mang thì nhiều. Chúng tôi đã tư vấn tỉ mỉ để họ yên tâm phối hợp với y tế địa phương điều trị tại nhà”.
Hơn 20 y bác sĩ “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc F0 tại nhà” tham gia hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà
Đóng góp tích cực cho cộng đồng
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, một trong những bất lợi của các y bác sĩ là vì đông bệnh nhân quá, không có dữ liệu cũ để lưu giữ, không thể nhớ hết tình trạng của bệnh nhân, không nhớ hôm qua tư vấn gì. Vì thế, ứng dụng trên nền tảng số “365 Bác sĩ”, hỗ trợ, tư vấn y tế miễn phí dành cho F0 điều trị tại nhà đã phần nào giải quyết được vấn đề này.
Nói về ứng dụng, TS.BS. Thầy thuốc nhân dân Vũ Quốc Bình cho biết, “365 Bác sĩ” là ứng dụng tư vấn, hướng dẫn và theo dõi tình trạng bệnh nhân hằng ngày. “Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 80-90% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ, không cần dùng thuốc, chỉ cần bổ sung dinh dưỡng, nhưng nếu không được tiếp cận với nhân viên y tế bệnh nhân thấy lo âu, dẫn đến tìm hiểu nhiều nguồn thông tin không chính thống, không được đảm bảo của Bộ Y tế. Nhiều bệnh nhân dùng thuốc quá đà, thuốc xách tay, dẫn đến ngộ độc khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gia tăng tỷ lệ nhập viện. Ngoài ứng dụng “365 Bác sĩ” còn có Tổng đài 19001544 ra đời hy vọng sẽ đóng góp tích cực cho cộng đồng ở thời điểm thiết thực và giảm tải cho cơ sở y tế các tuyến”, Thầy thuốc nhân dân Vũ Quốc Bình nói.
Cũng theo TS.BS Vũ Quốc Bình, khi bệnh nhân mới mắc bệnh vẫn tỉnh táo, tuy nhiên có bệnh nhân chuyển nặng đột ngột, nếu kịp thời hỗ trợ sẽ cứu được người bệnh. Chẳng hạn, khi chỉ số bão hòa oxy trong máu SP02 đạt trên 95 là bình thường, từ 95 trở xuống vẫn chưa phải lo lắng nhưng đã có dấu hiệu chuyển biến và cần phải theo dõi sát sao, cần được hướng dẫn tập thở... Ngay cả vấn đề sốt, nhiều người dùng khăn chườm nước lạnh để giảm sốt cũng là chưa đúng cách mà phải dùng nước ấm để hạ nhiệt. Trong khi đó, một số người là F0 dù chưa có triệu chứng nhưng đã tìm cách mua và uống thuốc các loại thuốc thuộc gói thuốc C - là loại thuốc kê đơn trên mạng…
“Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, vì vậy, việc tất cả mọi người luôn trong trạng thái chủ động, cập nhật thông tin sức khỏe để khi gặp phải tình huống F0, F1 hay người thân là F0 thì luôn sẵn sàng được phục vụ ngay là thực sự cần thiết. Thông qua ứng dụng và Tổng đài miễn phí, các bác sĩ và nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân sẽ quản lý và theo dõi tình hình bệnh nhân được bài bản, hệ thống, không bị sót thông tin, giúp quản lý bệnh nhân được khoa học và tiết kiệm nguồn lực, thời gian của cán bộ y tế, đồng thời cũng tối ưu được hiệu quả theo dõi điều trị và chỉ định nhập viện khi cần thiết”, bác sĩ Bình cho hay.
Có rất nhiều câu chuyện nhân văn về các nhóm bác sĩ, tình nguyện viên hội tụ với nhau để giúp đỡ người bệnh trong lúc các cơ sở y tế luôn ở trong tình trạng quá tải. Việc kết hợp giữa tư vấn trực tiếp và ứng dụng số sẽ kết nối bệnh nhân và các y bác sĩ, tăng cường hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, tạo nên một cộng đồng kết nối những người thầy thuốc giúp đỡ F0 ở nhà vượt qua cơn hiểm nguy; cũng như giúp các đơn vị, cơ sở y tế quản lý bệnh nhân F0 một cách bài bản và trực tiếp hơn.
Việt Nam ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron về từ Anh Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức), Bộ Y tế thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Cụ thể, vào ngày 19.12.2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19.12.2021), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính. Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là hành khách trở về từ Anh Quốc, ngày 20.12.2021, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21.12.2021 Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân. Kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529). Đây là trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, là người nhập cảnh đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh. Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 nói chung và khả năng nhiễm biến chủng Omicron nói riêng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 và tiêm chủng đầy đủ. B.HẠNH |
QUỲNH HOA