Mỗi năm sẽ có hàng ngàn trẻ thoát khỏi HIV: Nếu các mẹ được điều trị dự phòng tốt...
VHO- Theo số liệu thống kê, cứ khoảng 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV thì sẽ có khoảng 30 – 35 trẻ sinh ra có nguy cơ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, nếu được can thiệp, chăm sóc và điều trị dự phòng tốt, mỗi năm ở nước ta sẽ có hàng ngàn trẻ thoát khỏi nguy cơ nhiễm HIV.
Phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm điều trị HIV sớm để làm giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến hết tháng 9.2019 cả nước hiện có hơn 215.000 người nhiễm HIV đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Riêng 9 tháng đầu năm nay cả nước phát hiện mới gần 8.000 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS gần 3.000 người và đã có gần 1.500 người tử vong.
Mỗi năm có hàng nghìn trẻ em sinh ra bị nhiễm
Trong đó số người nhiễm HIV mới, có độ tuổi từ 16-29 chiếm tỉ lệ 39,4%; từ 30-39 chiếm tỉ lệ 34,3%. Qua điều tra cũng cho thấy đường lây truyền HIV chủ yếu là do quan hệ tình dục không an toàn chiếm tỉ lệ 65%, qua đường máu chiếm tỉ lệ 17% và 2% lây truyền từ mẹ sang con. Thực tế ở nước ta mỗi năm có hàng nghìn trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV, đa số trẻ em dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV là do lây truyền từ mẹ sang con. Nguyên nhân phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai có nguy cơ lây truyền HIV cho con trong suốt thời gian thai kì, khi sinh và cả cho con bú sau khi sinh. Do đó, việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là hết sức quan trọng và cấp bách.
Bác sĩ CKII Lê Thị Bích Vân, Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp cho biết, các thời điểm lây truyền HIV từ mẹ sang con, nếu người mẹ bị nhiễm HIV đó là thời kỳ mang thai, khi sinh và cho con bú. Vì trong thời kỳ mang thai, vi rút HIV từ máu của mẹ qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được khoảng 8 tuần tuổi và có thể kéo dài suốt thai kỳ. Tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai là rất cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần, khoảng 20-30% số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ được cho là lây truyền qua bánh nhau. Ngoài ra nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng có thể xảy ra trong quá trình sinh nở. Nếu mẹ sinh thường, trẻ có thể tiếp xúc với dịch âm đạo có chứa vi rút HIV, cộng thêm nguy cơ mẹ đẻ khó trẻ có thể bị xây xát… Hơn nữa khi chuyển dạ ở giai đoạn này do tử cung co bóp mạnh nên có thể bơm mạnh máu mẹ vào tuần hoàn của thai nhi khiến cho nguy cơ lây nhiễm HIV ở giai đoạn này lên đến 50- 60%.
Nếu mẹ điều trị sớm, tỉ lệ lây truyền cho con giảm xuống dưới 2%
Cuối cùng là nguy cơ cho con bú. Mặc dù số lượng vi rút HIV có trong sữa mẹ không cao nhưng nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vẫn có thể xảy ra ở thời điểm này. Vì khi bú mẹ HIV có trong sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc, lưỡi, lợi của trẻ… Khoảng 20-30% số trẻ bị nhiễm HIV được cho lây nhiễm từ mẹ trong quá trình bú sữa mẹ. Điều này phụ thuộc vào thời gian và cách nối con bằng sữa mẹ.
Mặc dù vậy, nếu được điều trị dự phòng tốt thì tỉ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ giảm xuống đáng kể. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Trần Minh Nhân, Khoa Tham vấn Hỗ trợ cộng đồng HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng Quận 3 cho hay: Số liệu từ Trung tâm Phòng chống HIV/ AIDS cho thấy, năm 2018 tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con còn 1,8% và 6 tháng đầu năm 2019 giảm xuống 1,3% nếu mẹ nhiễm HIV khi mang thai được điều trị dự phòng tốt. Trong khi đó những đứa trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV nếu chưa được điều trị ARV hoặc không tuân thủ nghiêm liệu trình điều trị thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con có thể lên đến 35- 40%. Ngược lại trong thời kỳ mang thai, người mẹ nếu tiếp cận điều trị sớm, duy trì và tuân thủ điều trị đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml máu thì tỉ lệ lây truyền cho con giảm xuống dưới 2%.
“Chính vì vậy phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm, điều trị HIV sớm ngay từ khi phát hiện để hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020 cũng là mục tiêu Cục Phòng chống HIV/ AIDS đề ra”, bác sĩ Trần Minh Nhân nhấn mạnh. Năm 2019, Tháng hành động Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS” thì công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con cũng là một phần trong những mục tiêu “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”.
NGUYỄN HIẾU