Mở hướng đào tạo nhân lực y học thể thao trình độ cao
VHO- Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa ký thỏa thuận hợp tác trong việc đào tạo bác sĩ, thạc sĩ y học thể thao. Đây là định hướng phát triển để mở thêm mã ngành đào tạo, thêm mã ngạch chức danh nghề nghiệp cho bác sĩ y học thể thao.
Lễ ký kết hợp tác giữa Bệnh viện Thể thao Việt Nam và Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) Ảnh: VĂN QUÝ
Nên phát triển mô hình đào tạo “Cử nhân + X”
Hiện nay, tại các Trường ĐH Y dược trên cả nước chưa có bộ môn Y học thể thao, do đó việc mở thêm bộ môn Y học thể thao tại Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ là bộ môn đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực chuyên ngành y học thể thao. Ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, với tất cả tỉnh thành có trung tâm huấn luyện thể thao thì nhu cầu về bác sĩ y học thể thao là rất lớn. Hiện nay ở Trường ĐH TDTT Bắc Ninh (TP Từ Sơn, Bắc Ninh) đã có khoa Y học thể thao, nhưng những kiến thức được đào tạo tại đây chỉ có thể đáp ứng phần nào. Đây có thể là nguồn đầu vào để đào tạo chuyên sâu cho các em trở thành bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ y học thể thao, nhằm đáp ứng công tác y tế cho ngành TDTT.
Nói về ý nghĩa của việc ký kết hợp tác giữa hai đơn vị, GS.TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay hầu hết các cơ sở, Trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao không có bác sĩ chuyên về y học thể thao. Các bác sĩ đang làm việc hiện nay chủ yếu là các bác sĩ đa khoa, hoặc cử nhân được đào tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, nhưng muốn nâng cao trình độ, bằng cấp, nghiệp vụ thì khó khăn vì không có cơ sở đào tạo. “Do đó, việc thành lập bộ môn Y học thể thao là nhu cầu, mong muốn của Tổng cục TDTT, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng như của Trường. Việc mở bộ môn đào tạo này nhằm tạo môi trường để các cử nhân, bác sĩ được học sâu hơn, được đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn như bằng Thạc sĩ. Hơn nữa khi có cơ sở đào tạo chính thống, hệ thống đào tạo chuẩn hoá bác sĩ y học thể thao sẽ tăng cường số lượng bác sĩ chuyên ngành cho ngành Thể thao Việt Nam. Tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh đã có bộ môn Y học thể thao, nhưng dừng ở trình độ cử nhân, đây có thể là nguồn để đào tạo mô hình “Cử nhân + X” để đào tạo bác sĩ đúng chuyên ngành y học thể thao. Hiện nay đang là bắt đầu, nhưng hy vọng sẽ là định hướng tốt và chính thống cho ngành TDTT Việt Nam”, GS Lê Ngọc Thành chia sẻ.
Cũng theo GS Lê Ngọc Thành, ĐH Quốc gia Hà Nội có chức năng mở thí điểm các ngành đào tạo. Vì vậy, Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã trình Đề án mở thí điểm đào tạo bác sĩ, thạc sĩ y học thể thao, sau đó sẽ mở mã ngành đào tạo. “Quan điểm của tôi là các bác sĩ y học thể thao nên học đa khoa sau đó học chuyên ngành y học thể thao, chứ đào tạo bác sĩ thể thao ngay thì không nên. Ngoài ra, năm tới Nhà trường sẽ tuyển sinh lớp “Cử nhân + X”, đây là mô hình từ các nước phát triển, chẳng hạn cử nhân hoá, sinh … nếu muốn học y khoa thì học thêm 4 năm nữa. Gọi là “Cử nhân + X”, tức là 4 năm học cử nhân, và học thêm 4 năm nữa về y. Thực tế, có nhiều sinh viên đã học xong các chuyên ngành khác, nhưng sau khi tốt nghiệp lại thi vào y khoa; hoặc có những bạn thích nghề y nhưng không đỗ ĐH Y dược làm lỡ dở ước mơ của mình. Nếu sau này, mô hình “Cử nhân + X” được triển khai thì các bạn này không phải thi lại, mà xét theo hình thức khác, sau khi tốt nghiệp 4 năm học cử nhân có thể quay lại học thêm 4 năm để trở thành bác sĩ và 3 năm để trở thành dược sĩ. Lớp cử nhân của trường ĐH TDTT Bắc Ninh có thể là nguồn của mô hình này”, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) GS Lê Ngọc Thành nói.
Từng bước hội nhập với Y học Thể thao quốc tế
Chia sẻ về ngành y học thể thao, PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho hay, bộ môn này gia nhập vào Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ XX, đến cuối năm 90 thì Trung tâm Y học thể thao ra đời và năm 2007 Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã được thành lập và đi vào hoạt động. Cho đến nay, y học thể thao vẫn chưa có mã ngành đào tạo cán bộ y tế thể thao và Bộ Nội vụ cũng chưa có mã ngạch chức danh nghề nghiệp để định danh cán bộ y tế của ngành TDTT.
Tuy nhiên, từ những năm 2006 - 2010, Học viện Quân Y 103 đã xây dựng chương trình và xin Bộ Y tế mở mã ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 Y học Thể thao là 60295 và bác sĩ chuyên khoa 2 Y học Thể thao với mã ngành 6229501 và đã đào tạo được hai khóa với 20 bác sĩ chuyên khoa 1 Y học Thể thao. Số bác sĩ này đến nay đã nghỉ hưu, hoặc không còn làm nhiệm vụ, vì vậy việc Bệnh viện thể thao Việt Nam ký kết hợp tác với trường Đại học Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một dấu mốc quan trọng. Và trên cơ sở đó hai bên sẽ xây dựng đề án tuyển sinh và đào tạo bác sĩ, thạc sĩ y học thể thao.
“Thực hiện chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó đào tạo từ 50 - 300 bác sĩ thể thao, việc ký kết hợp tác với Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) là bước đầu và làm nền tảng để xây dựng hệ thống đào tạo bác sĩ chuyên ngành thể thao trên toàn quốc. Từ đó tiến tới đưa ngành Y học Thể thao hội nhập với Y học Thể thao quốc tế và hòa nhập với mạng lưới y tế của Việt Nam trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho những người tập luyện thể dục thể thao, nâng cao thể lực, nâng cao tầm vóc cho người Việt Nam. Đồng thời góp phần giúp các động viên nâng cao thành tích thể thao cho các VĐV ở trong khu vực và trong quốc tế”, Giám đốc Bệnh viện Thể thao PGS.TS Võ Tường Kha nhấn mạnh.
QUỲNH HOA