Loạn kit test nhanh Covid-19 trên mạng
vho- Trước việc số bệnh nhân Covid-19 đang có xu hướng tăng cao, cùng với đó là tăng nhu cầu kit test nhanh sử dụng tại nhà nên một số người đã lợi dụng quảng cáo bán kit test nhanh tràn lan trên mạng, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, thậm chí các loại kit xét nghiệm chưa được cấp phép.
Cùng loại kit test rao bán trên mạng xã hội với giá khác nhau
Loạn giá
Năm ngày trước, chị Phạm Thu Thủy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con trai bị sốt, chồng chị và con thứ 2 xuất hiện triệu chứng ho, sụt sịt nên nghi ngờ ba bố con mắc Covid-19. Chị Thủy được người hàng xóm mách, chỉ cần vào một trang bán hàng online trên facebook và đăng thông tin về nhu cầu mua kit test nhanh Covid-19 là chị có thể dễ dàng tiếp cận với rất nhiều nguồn bán được chọn nhiều sản phẩm và giá khác nhau.
Nghe vậy, chị Thủy nhanh chóng lên một trang mạng được tiếng là bán hàng với giá rẻ và hỏi mua kit test nhanh, chỉ một lúc, chị “hoa mày chóng mặt” với gần 100 câu trả lời của người bán hàng giới thiệu các loại kit test mà không biết phải chọn loại nào. “Đa số người bán đều quảng cáo loại kit test nhập khẩu từ Hàn Quốc nhưng với những tên gọi và giá khá cạnh tranh, từ 60.000 - 70.000 đồng/kit; có vài người còn ra giá bán thấp là 55.000 đồng/kit. Có một số người bán quảng cáo sản phẩm nhập Pháp, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đưa ra giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kit. Tuy nhiên từ ngày hôm qua giá các loại kit đã bắt đầu tăng giá mỗi loại khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kit”, chị Thủy cho hay.
Không chỉ rao bán các loại kit xét nghiệm qua đường mũi (tỵ hầu) mà nhiều người còn rao bán kit xét nghiệm qua đường miệng, nước bọt nhằm đánh vào tâm lý ngại chọc, ngoáy mũi của một số người. Dù loại test này ít đa dạng hơn nhưng cũng không kém “mê hồn trận”, giá nhỉnh hơn loại test mũi, dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kit.
Với thị trường kit test nhanh nhiều loại, nhiều giá và thói quen mua hàng trên mạng, không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ như hiện nay, đa số người tiêu dùng đều lựa chọn những loại có giá rẻ mà không biết loại đó có được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu hay không, có phải là hàng trôi nổi trên thị trường hay không? Anh Lê Văn Trường (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Tôi mua 2 loại test trên mạng, một loại của Hàn Quốc, một loại của Trung Quốc. Tôi test của Trung Quốc trước, thấy lên 2 vạch, hoảng quá test luôn loại của Hàn Quốc để kiểm tra thì chỉ có 1 vạch. Nhưng vẫn không yên tâm, tôi ra bệnh viện để test PCR thì có kết quả khẳng định dương tính. “Từ đó, tôi không mua hàng trôi nổi trên mạng nữa mà phải mua tại hiệu thuốc có uy tín hoặc phải mua loại kit test có quét mã QR chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, anh Trường nói.
Các cơ quan chức năng thu giữ 85.000 kit test nhanh từ Hàn Quốc trị giá hơn 8 tỉ đồng
Tăng cường công tác buôn lậu, hàng giả
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã cảnh báo về việc có tình trạng nhập lậu kit test nhanh Covid-19 vào Việt Nam với số lượng lớn. Các sản phẩm này đa dạng và được quảng cáo với nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản… được nhập lậu vào nội địa qua đường xách tay.
Mới đây nhất, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa cho biết, ngày 17.2 vừa qua, tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng kit test nhanh Covid-19 có dấu hiệu nhập lậu, vi phạm pháp luật hải quan. Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 kit test nhanh Covid-19 loại có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỉ đồng. Trước đó, Cục Quản lý thị trường các địa phương cũng phát hiện và tiến hành thu giữ hàng nghìn bộ kit test nhanh Covid-19 do Hàn Quốc, Trung Quốc sản xuất có dấu hiệu nhập lậu. Các chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp và khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng xã hội.
Trước thực trạng mua, bán kit test nhanh Covid-19 trôi nổi, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Theo Bộ Y tế, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi. Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo, triển khai việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng: Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, gang tay, khẩu trang y tế... để đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm…
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Việt Nam có 169 loại kit test nhanh Covid-19, bao gồm cả xét nghiệm nhanh bằng nước bọt và dịch tỵ hầu được cấp phép lưu hành. Các kit test nhanh này chủ yếu là sản phẩm từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Đức… và sản phẩm trong nước.
Trước đó, khuyến cáo về việc sử dụng kit test nhanh, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kit test nhanh Covid-19 muốn nhập khẩu và lưu hành, mua bán phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Theo quy định về nhãn mác, các sản phẩm kit test nhanh Covid-19 đảm bảo thì trên nhãn mác phải ghi số lưu hành và số giấy phép nhập khẩu/sản xuất đã được cấp. Các sản phẩm được cấp phép lưu hành đều đã vượt qua khâu thẩm định và đảm bảo về chất lượng.
Người dân không nên mua các kit test nhanh không có nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, trên mạng xã hội. Việc sử dụng các sản phẩm kit test nhanh không được cấp phép, không rõ nguồn gốc sẽ cho kết quả không chính xác, nguy hiểm cho bản thân và cho cộng đồng.
QUỲNH HOA