Lo ngại với tâm lý " rồi ai cũng mắc Covid thôi!"

VHO- Hiện nay số bệnh nhân tại TP.HCM đang có xu hướng giảm trong khi Hà Nội tiếp tục tăng trong những ngày qua. Hà Nội đã chuẩn bị kịch bản có từ 5.000 - 7.000 ca mắc, và các chuyên gia dự báo đến cuối tháng 3.2022, nhiều khả năng TP.HCM sẽ có ít nhất một làn sóng dịch mới.

Lo ngại với tâm lý

 Người dân không nên chủ quan với Covid-19 dù đã tiêm vắc xin mũi 3

 Vì thế đòi hỏi chúng ta cần chuẩn bị 3 điều quan trọng nhất là vắc xin, điều phối hệ thống điều trị, ý thức của người dân.

Những dự báo đáng lo

Mới đây các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc phối hợp với với nhóm Mô hình hóa dịch tễ, Đại học Monash) đã thực hiện báo cáo Dự đoán diễn tiến dịch Covid-19 tại TP.HCM. TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam cho biết, độ lớn của làn sóng dịch này phụ thuộc hoàn toàn vào việc thực thi biện pháp phòng, chống dịch của TP.HCM.

Từ các kịch bản chính sách trong báo cáo này dự báo từ 1.12.2021 đến 30.6.2022, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ghi nhận được sẽ dao động từ 700.000 - 1.200.000; số ca tử vong do Covid-19 dao động từ khoảng 11.500 - 26.000; số giường hồi sức cấp cứu (bao gồm các giường ECMO, thở máy xâm lấn và không xâm lấn) cần phải chuẩn bị ít nhất là 1.700 giường. “Hiện vẫn chưa đủ bằng chứng khoa học về độc lực và hiệu quả của vắc xin hiện có với biến thể Omicron nên các ước tính trên chỉ dựa vào giả định tạm thời. Tuy nhiên nếu điều đó xảy ra, hệ thống y tế của TP.HCM sẽ chịu áp lực rất lớn, cùng với đó là số ca tử vong sẽ tăng gấp 1,5 đến 2 lần”, TS Nguyễn Thu Anh cho hay và nhấn mạnh: Biện pháp phòng, chống dịch hữu hiệu và khả thi là nhanh chóng tiêm chủng bổ sung mũi 3 sau 6 tháng, đặc biệt đối với nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người có bệnh nền, người tiêm các loại vắc xin có hiệu quả chưa cao. Tăng cường tiêm mũi 3 và mũi nhắc lại cho người dân.

Với biến thể Omicron, nhóm nghiên cứu giả định tỉ suất tiếp xúc (thể hiện cho khả năng lây truyền) cao hơn gấp 5 lần, trong khi tỉ lệ tử vong là tương đương với biến thể virus tại Vũ Hán. Có thể biến thể này, với số lượng đột biến cao bất thường sẽ có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch của cơ thể. Đã có những kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả của hai liều vắc xin Pfizer hay AstraZeneca thấp hơn đáng kể với biến thể này, và nếu điều này thực sự xảy ra, tình hình sẽ xấu hơn. “Do đó, cần tăng cường hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt là trong phòng kín, và di chuyển không cần thiết, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Và quan trọng nhất là chính quyền và ngành y tế phải điều phối mềm dẻo, nhịp nhàng, tuyệt đối tránh rối loạn”, Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam nói.

Cần loại bỏ tâm lý chủ quan

Trong khi TP.HCM đang giảm số ca nhiễm ở con số hơn 700 ca/ngày thì những ngày gần đây, số ca dương tính trên địa bàn TP Hà Nội tăng liên tiếp. Đây là điều mà Hà Nội đã dự liệu trong kịch bản có số ca mắc từ 2.000 - 3.000 ca. Ngày 29.12, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thanh Phong tiếp tục công bố kịch bản số ca mắc trên địa bàn TP là 5.000 - 7.000 ca (số ca mắc thực tế trong ngày là 1.882 ca). Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt là có khoảng 140.000 người Việt Nam ở nước ngoài đăng ký trở về nước ăn Tết.

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Bộ Y tế đã giao nhiều bệnh viện thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu (ICU) như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chuyển đổi công năng thành trung tâm ICU quy mô 500 giường; miền Bắc có Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 lập 1.000 giường ICU; Việt Đức cơ sở 2, Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103 mỗi nơi 500 giường; BV Phổi Trung ương 200 giường. Ngoài ra Hà Nội cũng mở thêm nhiều cơ sở điều trị thu dung bệnh nhân F0, bên cạnh hàng nghìn ca đang được điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, khi số ca mắc tiếp tục tăng cao thì số bệnh nhân nhập viện sẽ tăng theo trong khi năng lực điều trị, năng lực y tế cũng chỉ có ở một hạn mức nào đó. Hiện nay, khi tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong dân số tăng cao, 80% triệu chứng bệnh nhân nhẹ nên xuất hiện tâm lý chủ quan, chấp nhận mắc Covid-19, “rồi ai cũng mắc Covid thôi”. Điều này khiến các chuyên gia y tế lo ngại. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, trước tình trạng một bộ phận người dân “buông lỏng” các biện pháp chống dịch từ tâm lý chủ quan trước Covid-19 là rất đáng báo động. Số lượng F0 tăng lên nhanh chóng trong một thời gian ngắn, gây quá tải hệ thống y tế vì mỗi hệ thống y tế đều có một công suất vận hành tối đa.

“Khi số F0 tăng quá nhanh và vượt công suất của cơ sở y tế sẽ dẫn đến việc không đảm bảo trong công tác chăm sóc y tế, từ đó khả năng chăm sóc y tế giảm xuống, tăng nguy cơ chuyển nặng, và giảm cơ hội sống của bệnh nhân. Nhóm có nguy cơ diễn biến nặng cao như người cao tuổi, người có bệnh nền sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên và nặng nề nhất”, bác sĩ Hùng giải thích.

Theo các chuyên gia, ngay cả những trường hợp đã được tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 cũng tuyệt đối không được chủ quan với căn bệnh này bởi vì nguy cơ lây nhiễm cho những người thân trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em. Bên cạnh đó, người đã được tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 có tỷ lệ chuyển biến nặng được hạn chế rất nhiều, nhưng vẫn có một số trường hợp chuyển biến nặng. Do đó dù được tiêm đủ mũi 3 cũng không được chủ quan với dịch bệnh. Người dân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là trong bối cảnh dịch đang diễn biến nóng ở nhiều địa phương trên cả nước như hiện nay. 

 Cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19 cho 3 loại thuốc chứa Molnupiravir

Hội đồng Tưvấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của BộY tế đã khẩn trương tổ chức phiên họp để xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 của các cơ sở sản xuất trong nước. Tại phiên họp, Hội đồng đã xem xét một cách kỹ lưỡng và thống nhất đồng ý đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.

Sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành bởi Hội đồng yêu cầu cơ sở sản xuất thuốc phải thực hiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất; phải tiếp tục theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành và báo cáo cơquan quản lý để giám sát chặt chẽ về chất lượng, tuổi thọ của thuốc; phải tiếp tục thực hiện nghiên cứu độ ổn định của thuốc và nộp dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ cập nhật hạn dùng để thẩm định theo hướng dẫn vàyêu cầu của Bộ hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN.

Đối với việc cấp phép lưu hành thuốc điều trị Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan quản lý và đơn vịchuyên môn kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và quản lý về giá theo đúng quy định của Luật Dược, chống mọi biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc cung ứng thuốc. Q.HOA

VIỆT THANH

Ý kiến bạn đọc