Lấy lý do an toàn cho người dân để “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế di chuyển là không phù hợp
VHO – Trong tình hình dịch hiện nay, một số địa phương thực hiện biện pháp phòng dịch như cấm bán hàng tại chỗ, ban hành các quy định cách ly y tế đối với người trở về từ vùng dịch… Điều này đang gây hạn chế, khó khăn cho cuộc sống của người dân.
Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, hiện nay Tết Nguyên đán đang cận kề, nhưng một số địa phương lại đưa ra những quy định về cách ly y tế đối với những người về từ vùng dịch và mỗi địa phương có những quy định khác nhau. Thậm chí, có một số nơi còn có thư ngỏ để công dân tạm thời không trở về quê nếu không cần thiết. Theo ông, điều này có phù hợp không?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Việc hạn chế, ngăn cản hay gây khó dễ cho người về quê nói riêng và người di chuyển từ vùng này sang vùng kia là không đúng với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, thể hiện việc chậm thích ứng với tình hình dịch hiện nay. Áp dụng những biện pháp này chỉ phù hợp trong thời điểm chúng ta theo chủ trương “Zero Covid”. Đặc điểm của chủng virus mới là có biểu hiện rất nhẹ ở những người đã tiêm đủ mũi vắc xin. Đến nay, theo công bố của Bộ Y tế khoảng trên 70% dân số đã tiêm vắc xin, nên khả năng lây bệnh, biến chứng nặng cũng đã giảm đi nhiều lần.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội
Ngoài ra, chúng ta đã giao quyền cho người dân cách ly, điều trị tại nhà với những bệnh nhân triệu chứng nhẹ, do đó áp lực cho ngành y tế cũng giảm đi nhiều. Vì vậy, theo tôi không đến mức phải đặt ra tình huống lo có nhiều người nhiễm mà phải “ngăn sôn, cấm chợ”, đóng cửa hàng, không cho bán tại chỗ hoặc cách ly tại nhà 1 -2 tuần hay bắt buộc xét nghiệm nhiều lần… Đây là những biện pháp quá mức và không cần thiết. Một năm Việt Nam có nhiều ngày lễ, Tết, nếu mỗi lần lại ngăn sông, cấm chợ thì việc thực hiện mục tiêu “sống an toàn, thích ứng” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ khó đạt được.
PV: Tuy nhiên một số địa phương cho rằng việc đưa ra các quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân là đúng như tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Các địa phương lấy lý do “an toàn của người dân là trên hết” tức là vẫn theo tinh thần của Nghị quyết 128; nhưng Chính phủ không chỉ lo cho an toàn, lo dịch bệnh mà còn lo cho cuộc sống của người dân, vấn đề phát triển, ổn định của đất nước. Các biện pháp phòng dịch của Chính phủ và Bộ Y tế đến nay có thể bảo vệ được đại đa số người dân trước các chủng Covid rồi. Do đó, cần tập trung cho việc điều trị trường hợp bị nhiễm, nâng cao năng lực điều trị ca nặng… hơn là tập trung “ngăn sông, cấm chợ” - không có nhiều ý nghĩa và không phù hợp với thời điểm mới.
Chẳng hạn tại Hà Nội, một số quận, huyện không cho bán hàng tại chỗ khi là vùng cam, rồi mấy hôm nữa trở thành vùng vàng lại cho mở, rồi lại đóng… Nhưng thực tế người dân vẫn làm việc, đi lại từ quận này sang quận kia, cấm bán hàng nhưng các dịch vụ khác như cắt tóc, gội đầu đều có nguy cơ vẫn được mở và vẫn có nguy cơ. Vì vậy, việc hạn chế này không giúp cho việc không để xảy ra lây nhiễm nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hay vấn đề kinh tế của người dân.
Nhiều địa phương thực hiện cách ly y tế 7 ngày với người từ vùng dịch về
PV:Theo ông, các cơ quan chuyên môn, địa phương và người dân nên làm gì để cùng đón Tết Nhâm Dần an toàn và trọn vẹn?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng:Tôi cho rằng, Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn cần phải tuýt còi những địa phương có những quy định “ngăn sông, cấm chợ” này; đồng thời phải liệt kê những việc được làm, không được làm, áp dụng vào những tình huống cụ thể. Khuyến khích các tỉnh, thành thực hiện những biện pháp mở cửa hơn để phát triển chứ không phải đi ngược lại Nghị quyết 128 như những biện pháp quá chặt chẽ như hiện nay. Đó là chưa tính đến việc vi phạm pháp luật về quyền tự do đi lại khi khóa cửa của người dân, vi phạm vì đi ngược lại với Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc cách ly cũng vậy, những người ở nước ngoài về đã xét nghiệm âm tính cũng chỉ cách ly 3 ngày, vậy mà người dân trong nước từ vùng dịch hôm nay xanh mai cam, đỏ là chuyện bình thường lại bị cách ly, theo dõi sức khỏe 7 – 14 ngày. Như vậy là không nhất quán trong vấn đề chống dịch và gây đảo lộn nhiều cho cuộc sống sinh hoạt cho người dân.
Đối với địa phương, quan trọng nhất là đánh giá tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cho người dân đã đáp ứng chưa, còn ai chưa được tiêm vắc xin, đặc biệt những đối tượng trì hoãn, phải đến từng nhà để tiêm để trang bị sự miễn dịch tối thiểu cho họ nếu dịch xâm nhập vào cơ thể. Với đối tượng có nguy cơ thì kiểm soát để có biện pháp phù hợp, vì có những người dương tính nhưng vẫn bán hàng, tiếp xúc với nhiều người. Rà soát năng lực điều trị những ca bệnh nặng của địa phương, số lượng thầy thuốc, trang thiết bị, ô xy, máy thở… đã được đảm bảo nhằm sẵn sàng điều trị người bệnh bị biến chứng nặng.
Còn với người dân, phải tuân thủ quy định khi đi lại, di chuyển. Nếu có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiếp xúc với ca bệnh thì phải xét nghiệm để xác định có nên đi tiếp hay không? Trong quá trình di chuyển phải thực hiện đúng các nguyên tắc 5K , đặc biệt lưu ý đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng, nơi chật chội, đông người, tránh lây nhiễm trong quá trình di chuyển. Khi về địa phương phải lắng nghe cơ thể mình, hạn chế tiếp xúc trong những ngày đầu, hạn chế tụ tập nơi đông người và những người trong gia đình ở địa phương cũng phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở cùng nhau tuân thủ các quy định phòng dịch để hạn chế lây nhiễm nếu có.
PV:Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
QUỲNH HOA (thực hiện)