Ký ức của ba nữ điều dưỡng thời đỉnh dịch

VHO- Những ngày TP.HCM đang ở thời điểm đỉnh dịch Covid-19, có những tấm ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi về nữ nhân viên y tế đang tạo dáng, trên lưng áo viết những dòng chữ và trái tim; viết những dòng status đầy xúc động. Đó là 3 nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Mai, Ngô Thị Như, Nguyễn Thu Hương, công tác tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương ở Hà Nội.

Ký ức của ba nữ điều dưỡng thời đỉnh dịch - Anh 1

 Chân dung 3 n điu dưỡng Ngô Th Như, Nguyn Th Thanh Mai, Nguyn Thu Hương nh: LÊ VĂN CHƯƠNG

 Đặng Thùy Trâm thời nay

Trưa ngày 26.8, hai máy bay Boeing 787-9 và Airbus A321 cất cánh từ Hà Nội vào TP.HCM. Đường băng và sân bay hiện ra một vệt dài, rồi máy bay đáp xuống nhẹ nhàng giữa một sân bay đang ngủ quên. Tổng cộng 1.000 y, bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên, giảng viên tại 4 tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình và Hà Giang có mặt trên chuyến bay để tăng cường vào miền Nam trong thời gian từ 45 đến 60 ngày.

Hình ảnh đoàn người rời máy bay và đi vào lòng thành phố đầy rào chắn, dây giăng đã được nhiều người viết trên mạng xã hội. Chị Phạm Thị Hoa ở quận Bình Thạnh, TP.HCM viết: “Họ chính là hiện thân của nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm. Giữa lúc khó khăn nhất, chết chóc và đau thương nhất thì hình ảnh người khoác áo blue xuất hiện khiến niềm xúc động tuôn trào”.

Trước đó, tại Hà Nội, các cơ quan báo chí và truyền thông đã đưa hình ảnh hàng ngàn nhân viên y tế tình nguyện vào miền Nam để tăng cường, hỗ trợ cho đồng nghiệp chống đại dịch Covid-19, trong đó có 24 nhân viên y tế ở Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Khi mọi người ôm chầm nhau để chia tay tại Hà Nội thì trên mạng xã hội liên tục nhắc dòng status đầy ngột ngạt “đã có 3 y bác sĩ tử vong, 2.300 nhân viên y tế mắc Covid-19 trong khi tham gia phòng chống dịch ở miền Nam”.

Thông tin về việc các nhân viên y tế bị lây nhiễm khiến cái bắt tay, cái ôm chầm trước giờ lên đường được siết chặt và giữ lâu hơn. Khi được hỏi lại cảm xúc trước ngày lên đường, chị Mai cho biết: “Đứng trước sự sống và cái chết của mọi người dân thì sự nguy hiểm không còn là gì cả, chỉ có điều là ra đi thì nhớ và rất nhớ con”.

Đoàn công tác được bố trí ở nhiều nơi, trong đó có khách sạn Phương Bắc nằm ở địa chỉ 11A, đường Thi Sách, quận 1, TP.HCM. Âm thanh vang lên suốt ngày là tiếng hụ của xe cấp cứu. Giữa không khí ngột ngạt đó, nữ điều dưỡng Ngô Thị Như, Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thu Hương đã đăng bài hát đầy xúc động trên trang cá nhân “Sài Gòn tôi đã, ngủ im rồi/Ngã ba, ngã tư, ngã năm… không người”.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thu Hương chia sẻ câu nói của cậu con trai: “Mẹ nói mẹ đi 60 ngày rồi về, con free luôn cho mẹ 64 ngày”. Còn cậu bé Nguyễn Hoàng Anh (học sinh lớp 6), là con trai của chị Mai thì thường nhắn hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ đi lâu thế, mẹ không về với con?”. Cậu đếm từng ngày, vì mẹ gửi cả 2 con về ở với ông bà nội ở tỉnh Hưng Yên đã 6 tháng để có thời gian bắt tay vào chống dịch.

Thèm rau luộc

Những ngày đầu tiên đặt chân tới ở khách sạn, khi đến bữa cơm thứ hai thì các cô gái Nguyễn Thị Mai, Ngô Thị Như mới sực nhớ ra là đi xa Thủ đô thì thèm món rau luộc chấm mắm chanh, hoặc pha nước quả sấu. Chị Mai tâm tình, “ở trong này người ta hay nấu món rau xào qua mỡ, sau đó gia vị. Thèm ăn nhưng muốn đi mua thì biết mua ở chỗ nào, trong khi toàn bộ hàng, quán đã đóng cửa; muốn ăn thêm một món yêu thích, hoặc mua bịch trái cây mà con gái hay ăn thì cũng đành tưởng tượng”.

Những dòng tự sự đầu tiên của cô gái 37 tuổi, là mẹ của 2 đứa con nhỏ đã khiến tôi hình dung ra, từ ngày đầu, họ đã phải thay đổi rất nhiều thói quen trước khi chính thức bước vào căn phòng đầy máy thở, lọc máu, cùng âm thanh rù rù của máy tạo không khí. Đọc những dòng tự sự mà nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Mai thì càng hiểu được, tình thương, trách nhiệm đã giúp các cô gái trẻ đất Hà thành vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Sau hai ngày tập huấn về chống nhiễm khuẩn, cách thay bảo hộ… ngày đầu tiên bước vào phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 tại quận 7, TP.HCM, dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng một phút choáng ngợp đầu tiên lướt qua trong đầu. Quá nhiều bệnh nhân, họ nằm san sát giường với nhau; người thì oxy kính, đeo mask túi, người đến oxy còn 80%, người thì bóp bóng, nhiều người bị bệnh nền như suy thận, tim, lớn tuổi, thể trạng béo phì…

Sau ngày đầu tiên ở bệnh viện trở về, khi sắp đến bữa ăn thì trong đầu lại nghĩ đến món rau luộc, cà dầm tương kiểu miền Bắc nên mọi người hy vọng sẽ gửi nhờ ai đi mua hộ trong các khu bách hóa xanh hiếm hoi còn mở cửa. Nhưng rồi ý định đó tiêu tan nhanh, vì nhân viên khách sạn đến đưa cơm đã chạy biến mất thật nhanh xuống cầu thang vì quá lo sợ.

Ký ức của ba nữ điều dưỡng thời đỉnh dịch - Anh 2

 Cu con trai gi lch công tác cho m Nguyn Thu Hương nh: NHÂN VT CUNG C ẤP

Xin đừng chủ quan

Khi đứng giữa căn phòng toàn màu áo trắng, đầy máy thở, âm thanh vô hồn của tín hiệu đồng hồ, chiếc máy hút ô xy vào phòng kêu suốt ngày đêm, chị Như chia sẻ, “những người nằm đây không có người thân, không ai có thể vào thăm và chăm sóc họ vào lúc này, vì vậy chị em cứ phải tự nghĩ rằng đây chính là ông, bà, cha, mẹ mình để từ đó tận tâm, tận tình hết sức”.

Trong ca trực, nếu rơi vào thời điểm cho ăn thì các nhân viên y tế phải cầm bát cháo và chạy vòng quanh giường, đút cho người này một thìa thì chạy ngay tới giường khác, có khi chạy 4-5 giường một lúc. Bên cạnh đó là phải liên tục thay bỉm, rửa phân, lót lưng. Bệnh nhân Covid thường đi đại tiện nhiều, vì không có người thân nên các nữ điều dưỡng phải trở thành người bao trọn.

Đến những nơi tận cùng nguy hiểm, con người mới có thể “chiết xuất” ra được những điều triết lý sâu xa. Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Mai, Ngô Thị Như chia sẻ, “vào đó thì mới soi ngược lại trong tâm trí của mình, hiểu được giá trị của sức khỏe là quan trọng nhất; còn ngày thường thì mọi người bon chen trong cuộc sống, đôi khi bất chấp sức khỏe thì quả là điều phung phí”.

Ngày 31.8, từ nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Mai viết: “Khó thở lắm, nóng lắm, đau mắt lắm, nhớ gia đình lắm các bạn ạ - hãy thương chúng tôi, hãy ở nhà để bảo vệ cộng đồng; hãy cố gắng cùng chúng tôi chiến thắng”.

“Hãy cố gắng cùng chúng tôi chiến thắng”, lời nhắn của nữ điều dưỡng Thanh Mai cách đây 4 tháng vẫn còn nguyên giá trị. Giữa những ngày đại nạn mới thấy sự bình an quý biết nhường nào. Cho dù TP.HCM đã qua đỉnh dịch, thành phố mang tên Bác cùng với cả nước đang bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng không phải vì thế mà lơ là, chủ quan. Vẫn 13.000 - 14.000 người mắc mỗi ngày như ngày nào, trong khi biến chủng mới Omicron lấp ló đe dọa... Cùng với 5k, vắc xin thì ý thức của người dân vẫn là một trong những điều kiện tiên quyết để chúng ta cùng chiến thắng. 

 

Ngày 10.10, chị Nguyễn Hằng ở TP.HCM đã viết dòng cảm xúc khi chia tay những cô gái khoác áo blue từ Hà Nội tăng cường vào chống dịch: “Sài Gòn cảm ơn những bạn màu áo trắng y tế đã đến đỡ đần chi viện vào lúc tưởng rằng gục ngã không đứng lên được. Cám ơn cũng như tri ân tất cả các bạn đã hy sinh, không ngại vất vả; bỏ gia đình qua một phía, quên cả tính mạng của mình để vô đây chiến đấu cùng Sài Gòn… giúp Sài Gòn đứng dậy đầy kiêu hãnh nhất”.

 

LÊ VĂN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc