Khoảng 80% người dân đồng ý tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em
VHO- Tuần tới, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được triển khai trên cả nước. Bộ Y tế dự kiến khoảng 12 triệu trẻ em sẽ được tiêm chủng 2 loại vắc xin Moderna và Pfizer với những hướng dẫn, tập huấn đầy đủ, cập nhật đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ.
Tiêm vắc xin cho trẻ em đạt tỷ lệ cao sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và gia đình (ảnh minh họa )
Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng quốc gia cho biết, lô vắc xin Covid-19 đầu tiên để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vắc xin Moderna (do Chính phủ Úc tài trợ). Hiện vắc xin này đang được kiểm định chất lượng tại Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), nếu đảm bảo chất lượng dự kiến sẽ triển khai tiêm cho trẻ trên quy mô toàn quốc trong tuần tới. Trước hết tiêm cho học sinh lớp 6, sau đó là học sinh nhỏ hơn, đảm bảo tính đồng đều và an toàn tiêm chủng trên toàn quốc.
Vắc xin Pfizer và Moderna được lựa chọn tiêm cho trẻ ở nhóm tuổi này và có phản ứng sau tiêm tương tự như nhóm đối tượng 12-17 tuổi như tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, triệu chứng ở liều 2 nhiều hơn liều 1. “Tuy nhiên, Bộ Y tế quy định theo dõi phản ứng sau tiêm là như nhau, không phân biệt mức độ hay tỉ lệ phản ứng mà luôn phải có tinh thần cảnh giác để xử lý kịp thời, tránh xảy ra tai biến đáng tiếc”, bà Hồng nhấn mạnh. Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dự kiến có khoảng 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi 5- dưới 12 tuổi và ước tính 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19. Như vậy, sẽ tiêm cho toàn bộ trẻ chưa mắc trong quý 2; còn trẻ đã mắc được trì hoãn tiêm sau 3 tháng. “Qua khảo sát, khoảng 60-80% người dân đồng ý tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, khoảng 30% còn do dự. Nhóm phụ huynh còn do dự trong thời gian tới sẽ cần được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan việc tiêm chủng để hiểu rõ hơn khi đưa ra quyết định”, TS Lân cho hay.
Một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh lo lắng khi tiêm vắc xin cho trẻ là ảnh hưởng lâu dài về chức năng sinh sản. Tuy nhiên, TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) khẳng định, đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào liên quan đến vấn đề này. Bởi bản chất vắc xin phòng Covid-19 là các thành phần RNA thông tin, chức năng của nó để tổng hợp protein. Việc tiêm vắc xin này là quá trình tổng hợp protein gai, sau đó phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus gọi là kháng nguyên, kích hoạt hệ thống miễn dịch. Khi quá trình tổng hợp protein gai kết thúc thì sẽ được các men của tế bào phân huỷ chứ không xâm nhập vào bên trong nhân tế bào, lúc đó sẽ không ảnh hưởng tới cấu trúc di truyền”, ông Lê Kiến Ngãi thông tin. Đồng thời, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng khuyến cáo các mốc thời gian cần theo dõi trẻ sau tiêm là 30 phút tại nơi tiêm, 24 tiếng, 3 ngày, 7 ngày và 28 ngày tại gia đình. Đặc biệt, các thầy cô tránh cho trẻ hoạt động thể lực trong 3 ngày đầu sau tiêm vì có thể khiến trẻ khó thở, nhịp tim nhanh... Bên cạnh đó, các hoạt động gắng sức có thể cũng kích hoạt các phản ứng không mong muốn.
Để đảm bảo việc tiêm chủng cho trẻ an toàn, bà Dương Thị Hồng lưu ý, trước khi đi tiêm, bố mẹ, thầy cô và người giám sát trẻ cần theo dõi sức khỏe các cháu có ăn ngủ bình thường, có viêm đường hô hấp hay có dấu hiệu bất thường. Khi các cháu thực sự khoẻ mạnh hãy đưa đi tiêm chủng, và trong quá trình đi tiêm chủng, tuân thủ các quy định để tránh nguy cơ nhiễm bệnh tại nơi đông người. Đồng thời phải chia sẻ thông tin về tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng, các bệnh lý nền, để bác sĩ đánh giá toàn diện sức khỏe trước tiêm và theo dõi sau tiêm, xử lý ngay tại trạm y tế hay cần chuyển đến bệnh viện. “Sau khi tiêm cần theo dõi sức khỏe của các cháu 30 phút tại cơ sở tiêm, không nên vội vàng ra về vì có thể xuất hiện phản ứng phản vệ, nếu có gì bất thường có thể xử trí ngay. Khi về nhà có thể sốt cao, mệt mỏi, li bì sau 4 - 8 tiếng và có dấu hiệu giảm dần. Nếu các triệu chứng này có mức độ tăng lên hoặc có biểu hiện khác với điều bác sĩ tư vấn thì đến cơ sở y tế hoặc trao đổi với cán bộ y tế. Ngoài ra, trẻ nhỏ có thể mải chơi, hoặc không biết thể hiện sự khó chịu thì cha mẹ, người giám sát trẻ phải quan tâm sát sao”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ.
Trên thế giới đã có 53 nước có kế hoạch tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó là các nước phát triển như châu Âu, Mỹ và các nước này hầu hết đã bao phủ vắc xin ở các đối tượng. Nếu chúng ta tiêm cho trẻ em đạt tỷ lệ cao sẽ giúp cộng đồng và các đối tượng nguy cơ cao giảm tỷ lệ lây nhiễm Covid-19. (PGS.TS PHAN TRỌNG LÂN, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) |
Đồng ý tiếp nhận viện trợ vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-12 tuổi P hó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết số 55/ NQ-CP về vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi viện trợ từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho Việt Nam. Bộ Y tế chịu trách nhiệm tiếp nhận viện trợ, mua và tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hợp lý, an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế căn cứ vào tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc xin, nguồn viện trợ, nguồn vắc xin có thể mua thương mại để xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, loại vắc xin nhận viện trợ, mua thương mại bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả; không để bị động, không thừa, thiếu hụt vắc xin trong mọi hoàn cảnh. Trường hợp cần mua vắc xin thương mại để tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế chủ động xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, thời gian và chủng loại vắc xin cần mua phù hợp với tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu với các điều kiện như các Nghị quyết của Chính phủ về mua vắc xin phòng Covid-19 đối với người lớn. L.S Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi Ngày 14.4, tại TP Hạ Long, Bộ Y tế và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2022 chủ đề “Vắc xin mang lại cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người”. Sự kiện là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cảmọi người đều được tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19; vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, trách nhiệm người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, đối với việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam đạt cao và đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng khác gồm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2022. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, hiểu rõ, hiểu sâu về thực hành tiêm chủng an toàn. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo tổ chức tiêm chủng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở quy mô xã, phường. P.V |
QUỲNH HOA