Hà Nội "thông báo khẩn liên tục: Có đáng ngại?
VHO- Mặc dù số ca mắc Covid-19 đang tăng trở lại ở một số địa phương, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, không thể theo đuổi “Zero Covid” mà quan trọng là bao phủ tiêm vắc xin, nâng cao năng lực điều trị và tuân thủ 5K.
Tăng tỷ lệ tiêm vắc xin là một trong những mấu chốt phòng dịch hiện nay Ảnh: PHƯƠNG LAN
Trong những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 của Hà Nội tăng nhanh chóng khoảng 100 ca/ngày, các ổ dịch tập trung ở cả các huyện và khu vực nội thành, CDC Hà Nội liên tục phát đi thông báo tìm người tại các quán cà phê, quán ăn, tòa nhà chung cư…
Không chủ quan vì đã tiêm vắc xin
Riêng từ 1 - 6.11, Hà Nội ghi nhận 225 ca trong cộng đồng, kèm theo đó là nhiều khu vực bị phong tỏa. Tuy nhiên, dường như người dân không còn quá hoang mang với số lượng tăng này, vì đa số người dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và tâm lý sống chung với dịch bệnh đã ổn định.
Nhưng không nên vì thế mà chủ quan. Anh Nguyễn Mạnh Trí (quận Nam Từ Liêm) đang trong thời gian cách ly y tế 14 ngày cho hay, một đồng nghiệp của anh đã mắc bệnh nên toàn văn phòng phải cách ly, đến nay chưa có ai có kết quả dương tính. Nhưng hai con của người đồng nghiệp đã mắc Covid-19, trong khi nguồn lây là người bố lại chỉ có triệu chứng nhẹ vì đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Do vậy, trong khi trẻ em chưa được tiêm vắc xin thì bố mẹ cần phải tuân thủ 5K để tránh bị nhiễm và lây sang con mình.
Trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội, nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng dịch như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, ông Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, không quan trọng về số ca mắc mà quan trọng là tỷ lệ tiêm vắc xin như thế nào, đã bao phủ hay chưa? Cùng với đó là năng lực điều trị của cơ sở y tế, số ca mắc là nhẹ hay nặng. “Trong bối cảnh hiện nay, khó có thể giữ không có ca nào mắc. Về công tác truy vết thì nhanh chóng xét nghiệm những đối tượng tiếp xúc gần, đồng thời người dân cần thực hiện 5K để bảo vệ những người xung quanh mình, gia đình, đồng nghiệp…”, bác sĩ Khanh nói.
Không chỉ Hà Nội, mà một số địa phương cũng tăng số ca mắc. Theo số liệu của Bộ Y tế, tuần trước số ca mắc chỉ khoảng 4.000 - 5.000 ca, nhưng những ngày gần đây đã lên tới hơn 7.000 ca.
Trong ngày 7.11, hàng nghìn người dân tụ tập tại Ga Cát Linh để "thử nghiệm" đi tàu trên cao mà bỏ qua những khuyến cáo "5K". Giới chuyên gia y tế cho rằng đây là nguy cơ rất lớn trong phòng, chống dịch
Cần có biện pháp phù hợp
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Y tế, nhiều địa phương có tốc độ tiêm vắc xin còn chậm, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 120 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng đến hết ngày 6.11, Việt Nam mới tiêm được 88.404.883 liều, đạt hơn 2/3 lượng vắc xin. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, so với vắc xin cấp phát, tốc độ tiêm đang chậm tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Theo cập nhật của Hệ thống tiêm chủng, 10 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp so với lượng được cấp phát là Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An. “Tôi đề nghị các địa phương cần báo cáo rõ nguyên nhân về việc thiếu nhân lực hay do chưa được cấp phát vắc xin. Nếu thiếu nhân lực, các địa phương cần có văn bảo báo cáo ngay về Bộ Y tế để bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng cử lực lượng hỗ trợ”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua quá trình theo dõi và khảo sát, các địa phương đều gặp vấn đề khó khăn trong quản lý, xét nghiệm những người dân đi về từ tỉnh, thành phố có độ nhiễm cao về. Nhiều địa phương chưa rõ cách thức quản lý như thế nào để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ban hành hướng dẫn cụ thể tại địa phương phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. “Bên cạnh đó, các địa phương cần nâng cao tuyên truyền làm thay đổi ý thức và hành vi, để người dân dần thích ứng với điều kiện mới, không thể “Zero Covid”. Hiện nay tỷ lệ bao phủ mũi 1 đạt 81%, chúng ta không thể cố hữu biện pháp phòng, chống dịch như khi chưa tiêm, nếu không việc tiêm vắc xin trở nên vô nghĩa. Đồng thời, triển khai tiêm mũi 2 cho những trường hợp đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Đỗ Xuân Tuyên nói.
Ngoài ra, trong tình hình mới, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần mạnh dạn cách ly F1 tại nhà, F0 có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà theo phác đồ Bộ Y tế đã hướng dẫn. Phải chú trọng nâng cao chất lượng y tế cơ sở để chăm sóc người dân trong tất cả lĩnh vực, F0 nặng đưa vào viện điều trị để bảo đảm tỷ lệ tử vong thấp nhất. Đặc biệt tại các khu công nghiệp, nên hình thành tổ hoặc trạm y tế lưu động có sự tham gia của lực lượng y tế doanh nghiệp, cùng giúp doanh nghiệp chống dịch.
Qua quá trình theo dõi và khảo sát, các địa phương đều gặp vấn đề khó khăn trong quản lý, xét nghiệm những người dân đi về từ tỉnh, thành phố có độ nhiễm cao về. Nhiều địa phương chưa rõ cách thức quản lý như thế nào để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ban hành hướng dẫn cụ thể tại địa phương... (Thứ trưởng Bộ Y tế ĐỖ XUÂN TUYÊN) |
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, ngày 7.11, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 81 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, cộng đồng 45 ca, khu cách ly 30 ca, khu phong tỏa 6 ca. Các ca cộng đồng theo quận, huyện: Thanh Xuân (8), Đông Anh (5), Nam Từ Liêm (4), Gia Lâm (4), Ba Đình (3), Hà Đông (3), Đống Đa (2), Đan Phượng (2), Long Biên (2), Cầu Giấy (2), Tây Hồ (2), Hai Bà Trưng (2), Hoàn Kiếm (2), Chương Mỹ (1), Thanh Trì (1), Bắc Từ Liêm (1), Hoàng Mai (1). Tính từ ngày 29.4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 4.998 ca mắc Covid-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.961 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 3.037 ca. Dường như ngày nào, cơ quan chức năng cũng ra “thông báo khẩn” tìm người… |
Q. HOA